Một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh quyết định rời EU, Cơ quan đầu tư nước ngoài Ireland đã gửi thư cho hơn 1.000 công ty, đưa ra các đề nghị hỗ trợ nếu họ chuyển trụ sở và nhân sự từ London đến Dublin. Bởi "người hàng xóm" này của xứ sở xương mù không chỉ có lợi thế về ngôn ngữ, mà còn có nhiều sự tương đồng trong môi trường thuế, môi trường luật pháp với nước Anh.
Trong khi đó, tờ New York Times của Mỹ lại đánh giá Amsterdam của Hà Lan là ứng cử viên số một trong cuộc đua giành "vương miện" của London nhờ có những kết nối toàn cầu, cũng như có sự hấp dẫn đối với người nước ngoài và việc đa phần dân số nói tiếng Anh. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số này, Amsterdam đang có nhiều lợi thế khi là trung tâm giao dịch lớn nhất của thị trường tiền ảo.
Một đối thủ nặng ký khác cho vị trí trung tâm tài chính phải kể đến thành phố Frankfurt của Đức. Vốn là nơi đặt trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Frankfurt đang được xây dựng hình ảnh như một trung tâm thương mại của tương lai. Hiện, Frankfurt đang là một trong những lựa chọn yêu thích của các ngân hàng của Mỹ như: Morgan Stanley, JPMorgan và Bank of America Merrill Lynch.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có duy nhất một thủ đô được hưởng lợi nhờ sự chuyển giao chính thức, đó là trường hợp của Paris với hơn 1.000 vị trí của ngân hàng của HSBC. Chính phủ Pháp cho biết sẽ "trải thảm đỏ" cho các công ty rời Anh hậu Brexit và hứa hẹn sẽ có những ưu đãi thuế dành cho người nước ngoài ở Pháp tốt nhất châu Âu.
Về mặt địa lý, Paris ở gần London hơn so với Frankfurt. Về quy mô thị trường "khỏi phải nói", dân số tại Paris nhiều hơn gấp nhiều lần so với Frankfurt. Đặc biệt, Paris có chất lượng sống không thể nào so sánh được ở châu Âu. Đó là điểm khác biệt giữa Frankfurt và Paris.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!