Khi con người kiện máy móc ra tòa
Con người và máy móc kiện nhau ra tòa vì bản quyền. Câu chuyện ngỡ như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng đã diễn ra tại Mỹ.
Với sự ra đời của những công cụ AI tạo sinh, có khả năng viết ra một đoạn văn bản, đoạn ghi âm, hay thậm chí là vẽ ra một bức tranh dựa vào kho dữ liệu nó có sẵn. Hiện nay dường như ngành nghề nào cũng có khả năng được thực hiện bởi AI, từ hội họa, cho đến lắp ráp máy móc,i dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay có khách sạn thậm chí thuê robot làm lễ tân.
Vậy làm thế nào để có quy tắc ứng xử cho đúng giữa AI và con người? Và con người làm thế nào để luôn đi trước một bước?
Thị trường nghệ thuật "xáo trộn" vì AI
Những bức tranh do AI tạo ra không giống y hệt của họa sĩ gốc, mà có thể hao hao giống, hoặc nhìn phong cách, màu sắc giống. Chính sự "hao hao" giống này khiến mọi thứ nhập nhằng và các họa sĩ cũng phải vất vả hơn để đi tìm sự công bằng cho các tác phẩm - đứa con tinh thần của mình.
Karla Ortiz là 1 trong 3 nghệ sĩ đã làm đơn kiện tập thể chống lại Stable Diffusion, Midjourney và DreamUp - 3 mô hình sáng tạo hình ảnh bằng AI. (Ảnh: The New York Times)
Trong khi đó, ngành trí tuệ nhân tạo đang nhận được những dòng vốn đầu tư cực kỳ lớn. Con số thống kê cuối tháng 11/2022 cho thấy là có 1,3 tỷ USD đầu tư vào những công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT. Tuy nhiên, song song với sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ này, vấn đề về luật pháp, bảo vệ bản quyền cũng đang là một câu hỏi rất đáng tiền.
Karla Ortiz là 1 trong 3 nghệ sĩ đã làm đơn kiện tập thể chống lại Stable Diffusion, Midjourney và DreamUp - 3 mô hình sáng tạo hình ảnh bằng AI.
Các nghệ sĩ cáo buộc những mô hình này đã vi phạm quyền của hàng triệu nghệ sĩ, trong đó có chính họ, khi sử dụng hơn 5 tỷ hình ảnh được lấy từ trên mạng để đào tạo công cụ trí tuệ nhân tạo, khi chưa có sự đồng ý của nghệ sĩ gốc.
"Tất cả các tác phẩm của chúng tôi đều bị sử dụng để huấn luyện các mô hình, tạo thành dữ liệu nền cho các hệ thống AI sử dụng. Họ cũng dùng tên của chúng tôi để tạo ra kho dữ liệu hình ảnh. Dù có nhiều điều luật trong sách vở thông thường phải cấm điều này, nhưng trong trường hợp cụ thể trên, chưa có phiên tòa nào xét xử vụ việc này. Vì thế, tôi quyết định tạo ra tiền lệ với các nghệ sĩ trong cộng đồng của mình. Chúng tôi quyết định khởi kiện", nghệ sĩ Karla Ortiz, nguyên đơn vụ kiện trí tuệ nhân tạo vi phạm bản quyền, cho biết.
Báo cáo mới nhất của UBS và Art Basel cho thấy, thị trường mua bán tranh nghệ thuật thế giới năm 2022 đạt 67,8 tỷ USD, tăng trưởng tới 31% so với cùng kỳ năm trước đó.
Cũng giống như nhiều ngành công nghiệp khác, quyền sở hữu trí tuệ được đề cao trong giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ muốn những người sáng tạo AI đảm bảo sự cho phép của chủ nhân. Còn nếu các nghệ sĩ bị vi phạm bản quyền thì cũng cần được đền bù xứng đáng.
"Sở hữu trí tuệ và bản quyền là cách chúng ta kiểm soát và thu lợi nhuận từ sự sáng tạo trong xã hội loài người. Đó không chỉ là luật bản quyền của Hoa Kỳ. Đó là một bộ luật và hiệp ước toàn cầu. Có thể nói rằng đó là một câu hỏi trị giá hàng nghìn tỷ đô la bởi vì mọi thứ có bản quyền đều có khả năng bị ảnh hưởng. Những gì chúng tôi đang tìm kiếm ngay bây giờ là các công cụ mới có thể tạo bản quyền cho hàng triệu người mỗi ngày. Đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi", ông Ryan Merkley, cựu Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo chung tại Mỹ, cho hay.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chicago, Mỹ đã cho ra mắt phần mềm Glaze thế hệ thứ 3 nhằm ngăn chặn các công cụ tạo hình ảnh bằng AI sao chép phong cách nghệ thuật trong các tác phẩm.
Cơ chế hoạt động của phần mềm này là tạo ra những thay đổi nhỏ cho hình ảnh kỹ thuật số mà mắt thường không nhìn thấy, nhưng lại tạo thành một lớp bảo vệ cho tác phẩm trên môi trường trực tuyến, đánh lừa và khiến hệ thống AI không sao chép được phong cách của tác giả.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phần mềm này sẽ góp phần bảo vệ quyền của các nghệ sĩ cho tới khi các quy định và luật cụ thể được thiết lập.
Sự xuất hiện của AI trong thị trường lao động
Ngoài thị trường nghệ thuật, AI cũng đang tham gia vào nhiều lĩnh vực lao động khác. Trí tuệ nhân tạo đang lấp đầy nhiều lỗ hổng trên thị trường lao động.
Từ lâu trước khi các công cụ như ChatGPT ra mắt, hàng loạt các doanh nghiệp đã sử dụng các công cụ chatbot AI đơn giản để giao tiếp với khách hàng, thực hiện một số tác vụ như trả lời các câu hỏi thường gặp hay chốt đơn hàng.
Theo Juniper Research, giá trị mua hàng trực tuyến thông qua việc sử dụng chatbot mới chỉ là gần 3 tỷ USD trong năm 2019, nhưng đang nhanh chóng tăng tốc và có thể chạm mức hơn 140 tỷ USD vào năm tới.
Lĩnh vực sản xuất còn có sự ứng dụng AI sớm hơn, khi nhiều doanh nghiệp đã quen thuộc với việc vận hành robot tự động trên dây chuyền sản xuất lắp ráp. Xu thế này càng được đẩy nhanh hơn nữa trong bối cảnh đại dịch và lạm phát kéo chi phí lao động tăng cao.
Năm 2021, lượng robot công nghiệp lắp đặt trên toàn cầu đã tăng tới gần 1/3 so với năm trước. Robot trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ cũng đang cất cánh, với khoảng 40% hoạt động trong lĩnh vực này đã được tự động hóa, theo Reuters.
Cuộc đua vượt lên phía trước giữa AI và con người
Robot cơ học và hiện là công cụ AI tạo sinh như ChatGPT cho thấy kỷ nguyên chung sống giữa con người và máy móc đã thực sự bắt đầu. AI ban đầu đóng vai trò hỗ trợ, nhưng hiện nay nó còn cạnh tranh với con người.
Theo một số chuyên gia đầu ngành, việc để lao động con người không bị tụt lại phía sau so với máy móc là rất quan trọng. Làm thế nào để con người không bị tụt hậu trong cuộc đua này? Một trong những cách nhanh nhất chính là bắt AI phải chạy chậm lại.
Tỷ phú Elon Musk đã viết và ký tên vào một bức thư kêu gọi cộng đồng sáng tạo AI hãy tạm dừng công việc phát triển của họ trong vòng nửa năm, để có thể dành thời gian nghiên cứu kỹ bộ quy tắc an toàn nhằm tránh việc AI phát triển quá nhanh gây ra xáo trộn về kinh tế và chính trị. Không chỉ Elon Musk, 1.000 chuyên gia về AI và những nhà lãnh đạo trong ngành này cũng có chung nỗi lo này.
"Về cơ bản, họ thừa nhận là ngay cả các chuyên gia về AI cũng không hiểu hết, không thể dự đoán được và cũng không thể kiểm soát nổi năng lực cạnh tranh của trí tuệ nhân tạo. Mỗi lần bạn gõ một câu lệnh nào đó vào ChatGPT chẳng hạn, chính là bạn đang cho nó ăn và đang giúp nó trở nên mạnh hơn. Tôi cho rằng việc làm chậm lại quá trình phát triển của nó là đúng đắn", ông Zulfikar Abbany, phóng viên kênh DW, cho hay.
Robot cơ học và hiện là công cụ AI tạo sinh như ChatGPT cho thấy kỷ nguyên chung sống giữa con người và máy móc đã thực sự bắt đầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: analyticsinsight)
Làm thế nào để lao động con người tăng sức cạnh tranh của mình khi đứng cạnh AI? Nhiều các chuyên gia đã đưa ra một mô hình lý tưởng đó là khi có một công việc bị thay thế bởi AI, sẽ có một công việc mới được tạo ra, hoặc thậm chí là cả một ngành nghề mới được tạo ra. Ví dụ, nếu robot thay thế bác sĩ phẫu thuật, thì sẽ cần thêm 1 người bảo dưỡng con robot, hoặc một lập trình viên cung cấp dữ liệu cho vị bác sĩ robot này.
Tương tự, như khi mạng Internet ra đời cùng với email, không mấy ai viết thư tay nữa, nhưng không vì thế mà người đưa thư thất nghiệp. Vì họ lại chuyển sang nghề giao hàng, shipper đồ ăn khi thương mại điện tử phát triển. Vì vậy AI cũng chỉ là một trong những cuộc cách mạng về công nghệ.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của Elon Musk và các chuyên gia cũng cho thấy, AI có những tiềm năng vượt trội và cần sự vào cuộc của cả chính phủ cũng như giới lập pháp, để vừa có thể sử dụng AI một cách hiệu quả mà vẫn tránh được việc ảnh hưởng tới quyền lợi của lao động con người.
Ai là người "dạy học” cho công cụ AI? VTV.vn - Khi nói tới ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT, nhiều người không khỏi trầm trồ vì nó đối thoại rất thông minh. Vậy ai là người "dạy" cho chúng biết những kiến thức đó?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!