Ảnh minh họa.
Xu hướng tăng được dự báo sẽ tiếp diễn trong giai đoạn cuối năm nay và có thể hạ nhiệt trong năm 2025.
Ngân hàng lớn nhập cuộc
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động, đưa lãi suất cao nhất niêm yết ở mức 4,8%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại Agribank tăng 0,5%/năm lên mức 2,2%/năm. Cùng bước tăng 0,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên mức 3,0%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng cao nhất ở mức 3,5%/năm.
Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), lãi suất các kỳ hạn dài cũng được điều chỉnh tăng. Kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6%/năm, trong khi kỳ hạn 15 tháng đạt 6,2%/năm. Đặc biệt, kỳ hạn 18-24 tháng được điều chỉnh lên mức 6,3%/năm, thuộc nhóm lãi suất cao nhất thị trường. Ngoài ra, BVBank còn cộng thêm tới 0,6%/năm cho khách hàng gửi tiền trên kênh ngân hàng số Digimi.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa tăng lãi suất sau 3 tháng giữ nguyên. Kỳ hạn 1 tháng tại OCB hiện đạt 4%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng tăng lên 5,3%/năm. Đáng chú ý, kỳ hạn 36 tháng được niêm yết ở mức 5,9%/năm, cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 6-11 tháng đạt 4,9%/năm. Trong khi đó, kỳ hạn dài từ 15-36 tháng tiếp tục giữ mức 5,3%-5,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận mức tăng 0,2%/năm tại các kỳ hạn từ 1-18 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng đạt 5%/năm, trong khi kỳ hạn 12-18 tháng tăng lên 5,5%/năm. VPBank còn triển khai chính sách cộng thêm 0,5%-0,7%/năm cho khách hàng gửi số tiền lớn hoặc tiền gửi phát sinh mới.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã áp dụng mức lãi suất mới cho các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng. Theo biểu lãi suất trực tuyến, các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng tại ngân hàng này ghi nhận mức tăng 0,2%/năm ở kỳ hạn 1-2 tháng, lên 3,55%/năm, trong khi kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,1%/năm, đạt 3,75%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được giữ nguyên, với mức 4,85%/năm cho kỳ hạn dài nhất.
Đặc biệt, Techcombank còn áp dụng chính sách cộng thêm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng mở mới tài khoản hoặc tăng số dư tiền gửi trong tháng, áp dụng cho các kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng. Chính sách này đã nâng lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn 12 tháng cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lên mức 5,35%/năm, và 5,45%/năm với tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên.
Chính sách cộng thêm lãi suất cũng được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với mức cộng thêm 0,5%/năm lãi suất cho tiền gửi trực tuyến từ 100 triệu đồng trở lên.
Trong khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất, Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) lại điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,2%/năm ở các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Động thái này được lý giải là nhằm tối ưu hóa cơ cấu vốn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng tại GPBank xuống dao động từ 3,5-4,02%/năm; kỳ hạn từ 6-9 tháng dao động từ 5,35-5,7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cao nhất chỉ còn 6,15%/năm.
Biến động giảm còn diễn ra tại Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) với bước giảm 0,15%/năm cho lãi suất kỳ hạn từ 1 đến 11 tháng và giảm 0,1%/năm cho các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng. Hiện lãi suất cao nhất Bac A Bank áp dụng cho tiền gửi dưới 1 tỷ đồng là 5,95%/năm và trên 1 tỷ đồng là 6,15%/năm.
Xu hướng tăng sẽ tiếp diễn?
Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định rằng xu hướng tăng lãi suất sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đang vượt gần gấp đôi mức tăng của huy động vốn.
Tình hình nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 cũng đáng chú ý, khi đạt mức 4,55%, tương đương cuối năm 2023 nhưng cao gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy các ngân hàng phải tiếp tục nâng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn mới, từ đó đảm bảo duy trì thanh khoản.
MBS dự báo, với sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và đầu tư trong những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng sẽ gia tăng, gây thêm áp lực lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm. Theo ước tính, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn có khả năng tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm, dao động trong khoảng 5,1-5,2%/năm vào cuối năm.
Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trong giai đoạn cuối năm 2024. Nguyên nhân chính xuất phát từ áp lực lạm phát và tỷ giá trong bối cảnh giá cả hàng hóa biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, sự chênh lệch tỷ giá giữa USD và VND có thể kéo dài khi đồng USD tiếp tục giữ đà mạnh trong năm 2025, gây sức ép lên thị trường trong nước.
VCBS cũng lưu ý rằng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhằm thu hẹp khoảng cách giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng trong toàn hệ thống. Đồng thời, điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác. Một số ngân hàng đang gặp áp lực thanh khoản do tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) đã chạm ngưỡng, buộc họ phải tăng cường huy động vốn để duy trì các chỉ số an toàn tài chính.
Theo VCBS, mức tăng lãi suất huy động sẽ diễn ra từ từ và vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Dự kiến, lãi suất huy động kỳ hạn trung và dài hạn sẽ tăng khoảng 0,2-0,3 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, sau đó giữ ổn định trong năm 2025.
VCBS nhận định: xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh có khả năng giữ nguyên mặt bằng lãi suất hiện tại, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân dự kiến sẽ tăng nhẹ lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu vốn, đặc biệt là những ngân hàng phụ thuộc lớn vào nguồn tiền gửi khách hàng hoặc có cơ cấu vốn kém linh hoạt.
Đối với lãi suất cho vay, dự báo của VCBS cho thấy mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong giai đoạn cuối 2024 đến năm 2025, nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất huy động có thể gây áp lực nhất định lên lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, với dư địa tín dụng lớn, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ góp phần giúp giữ mức lãi suất cho vay ở ngưỡng ổn định.
Mới đây, trong Công điện số 135/CĐ-TTg ngày 16/12/2024 về tiếp tục tăng cường các giải pháp điều hành lãi suất, tín dụng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại… để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong dịp cuối năm 2024, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và ngay từ những tháng đầu năm 2025, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đưa vốn tín dụng vào nền kinh tế thực chất, hiệu quả nhất.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả và mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tạo doanh thu, lợi nhuận và trả nợ vay cho ngân hàng. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!