Đa dạng hóa sản phẩm để vượt khó xuất khẩu

Quốc Anh-Thứ tư, ngày 26/04/2023 15:08 GMT+7

VTV.vn - Đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, sản xuất những loại hàng hóa thế giới cần, không chỉ bán những thứ đang có, là hướng đi cần thiết.

Đây cũng là yêu cầu Chính phủ đặt ra để thúc đẩy xuất khẩu, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn của Việt Nam suy giảm trong thời gian qua.

Để làm được điều này, vai trò hỗ trợ sản xuất và thông tin thị trường của các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết, bên cạnh đó còn là khả năng thích ứng và sẵn sàng thay đổi chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Lạm phát toàn cầu ở mức cao khiến các khách hàng, nhất là ở Mỹ, châu Âu phải thắt chặt chi tiêu. Những hàng hóa không thiết yếu, như đồ gỗ bị hạn chế mua sắm khiến tình cảnh chung của cả ngành này lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, với Công ty TNHH Kẻ Gỗ lại khác, sản xuất không đủ để bán. Điều này là nhờ doanh nghiệp đã chuyển đổi từ sản xuất gỗ ván ép, sang làm dao, thìa, dĩa gỗ, loại sản phẩm thị trường nào cũng cần, nhất là khi cả thế giới đang hạn chế đồ nhựa.

"Nếu không có sự chuẩn bị này, không có việc đổi mới trong sản phẩm, đổi mới trong thị trường, hoặc đưa ra các sản phẩm mới khi biến động của thị trường xảy ra, chúng ta không phản ứng kịp thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, chia sẻ.

Đa dạng hóa sản phẩm để vượt khó xuất khẩu - Ảnh 1.

Cơ hội phát triển sẽ chỉ dành cho những ai đón bắt được xu hướng và luôn sẵn sàng cho sự thay đổi. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Mỗi tháng, nhà máy sản xuất được khoảng 15 triệu chiếc dao, thìa, dĩa gỗ xuất khẩu. Quy mô sản xuất hiện nay đang không ngừng tăng lên. Thậm chí hiện tại, một phần dây chuyền sản xuất đã lấn vào nhà kho và tới đây sẽ còn tiếp tục tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên theo đánh giá của doanh nghiệp, sản xuất như vậy vẫn chưa ăn nhằm gì so với nhu cầu thực tế của thị trường trong tương lai.

Không chỉ dao, thìa, dĩa, mảng đồ gỗ làm theo thiết kế riêng để xuất sang châu Âu cũng đang được các doanh nghiệp dự báo có mức tăng trưởng hơn 4%/năm trong 3 năm tới. Tương tự, Hiệp hội Thủy sản cũng đánh giá, thị trường đang khó chung, nhưng phân khúc hải sản tươi sống cho nhà khách sạn, xuất sang Trung Quốc, Trung Đông vẫn đang tăng trưởng tốt. Do vậy, thay đổi và phát triển sản phẩm mới, thị trường mới đang là yêu cầu bắt buộc hiện nay với mọi ngành sản xuất.

"Quy mô của doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới tương đối bé, nên sự thay đổi đối với các doanh nghiệp quy mô của vừa, cỡ nhỏ sẽ nhanh hơn. Các cơ quan như cơ quan thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư, vai trò của họ trong việc cung cấp thông tin, cảnh báo sớm những xu hướng của thị trường, sự thay đổi tiêu chuẩn ở các thị trường là hết sức quan trọng", ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định.

Thị trường hiện được đánh giá là biến động hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều sản phẩm có nhu cầu rất lớn trong năm nay, sang năm có thể không còn. Do đó, cơ hội phát triển sẽ chỉ dành cho những ai đón bắt được xu hướng và luôn sẵn sàng cho sự thay đổi.

Gấp rút gỡ khó cho xuất khẩu Gấp rút gỡ khó cho xuất khẩu

VTV.vn - Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu tiếp tục ảm đạm, đạt 13,23 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ, với 34/35 mặt hàng chính tăng trưởng âm, đòi hỏi sự gấp rút gỡ khó cho xuất khẩu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước