Đa dạng nguồn cung: Hướng đi cho doanh nghiệp Việt

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 28/02/2020 07:19 GMT+7

VTV.vn - Một số DN nhập khẩu dệt may, da giày, túi xách, điện, điện tử… đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong những tháng tới do nguồn cung bị gián đoạn.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động đến ngày càng nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Theo lãnh đạo Tổng Công ty May 10, hiện nay ngành dệt may Việt Nam đang phải nhập khoảng 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Số nguyên phụ liệu hiện có là do nhập từ trước Tết và chỉ đủ để đáp ứng đơn hàng trong tháng 2 bởi thời gian gián đoạn trong việc nghỉ Tết và nghỉ do tác động của dịch bệnh. Dự báo, nguyên phụ liệu sản xuất sẽ bắt đầu bị thiếu hụt từ tháng 3.

Đối với ngành da giày, túi xách, điện - điện tử, đến thời điểm này, các doanh nghiệp chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Trong trường hợp phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như: chi phí duy tu bảo trì máy móc, trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động và nhất là chi phí vốn vay ngân hàng.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều ngân hàng đã đưa ra những chính sách ưu đãi, miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ. Ước tính, tổng các gói tín dụng ưu đãi của các tổ chức tín dụng đã vượt 70.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm lãi với các khoản vay mới, dự thảo do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành vào ngày 27/2 sẽ giúp khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Các khoản nợ sẽ được cơ cấu thời hạn trả nợ tối đa thêm một chu kỳ vay vốn nhằm giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, có thêm điều kiện vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngành công thương liên tục có các cuộc họp để tìm các giải pháp tháo gỡ. Trong cuộc họp Đánh giá tác động của dịch bệnh đến các ngành sản xuất trong nước, người đứng đầu ngành công thương đã có những định hướng về đa dạng hóa nguồn cung và giải pháp để tìm thị trường mới nhằm tận dụng các hiệp định thương mại đã có hiệu lực như CPTPP hay sắp tới là EVFTA.

Dịch bệnh lại là dịp để doanh nghiệp chế biến, chế tạo để mắt nhiều hơn tới nguồn cung nguyên liệu, linh, phụ kiện trong nước. Tuy nhiên, công nghiệp phụ trợ thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ, trong khi xuất phát điểm của doanh nghiệp Việt trong ngành còn thấp, nên đây vẫn là cuộc đua rất dài.

Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất đầu tư nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành như: thép chế tạo, vải, vật liệu mới. Trong đó có hàng loạt giải pháp về tín dụng, phát triển thị trường, nguồn nhân lực hay ưu đãi thuế và đất đai.


Khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu do tác động của dịch COVID-19 Khó khăn về nguồn cung nguyên vật liệu do tác động của dịch COVID-19

VTV.vn - Nguồn cung nguyên vật liệu, linh, phụ kiện đầu vào sản xuất tại Trung Quốc và một số quốc gia khác gặp nhiều khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại biên giới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước