4.200 căn hộ chung cư nhà ở xã hội được Đà Nẵng dành bố trí cho đối tượng giải tỏa đền bù, để đảm bảo an sinh xã hội là một chủ trương nhân văn nhằm mang lại cơ hội an cư lạc nghiệp cho người nghèo. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều hộ giải tỏa được bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư bức xúc vì không được chuyển nhượng căn hộ cho đối tượng khác và cho rằng quy định này là không hợp lý.
Bà Lương Thị Cúc (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) sang nhượng căn hộ số 111, tầng 1, thuộc chung cư Nam cầu Tuyên Sơn với giá 385 triệu đồng từ chủ cũ. Hiện nay, bà có nhu cầu chuyển nhượng lại nhưng những quy định mới không cho phép thực hiện giao dịch này, vì vậy, bà không biết xử lý thế nào. Nguy cơ bà Cúc mất trắng vài trăm triệu đồng là điều không tránh khỏi.
Bà Cúc có nhu cầu chuyển nhượng lại căn hộ chung cư của mình nhưng những quy định mới không cho phép bà thực hiện giao dịch này
Trường hợp của bà Cúc là một trong hàng trăm hộ dân đã lỡ sang nhượng chung cư tại Đà Nẵng từ vài năm nay bởi theo quy định chung cư nhà ở xã hội là nhà của nhà nước. Nhà nước đã bố trí cho thuê căn hộ chung cư để đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy khi người được bố trí chung cư không sử dụng phải trả lại cho nhà nước và bất cứ một hình thức sang tên, đổi chủ nào đều không hợp pháp.
Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, những trường hợp sang tên đổi chủ mà không nắm rõ những quy định hiện hành phải chấp nhận rủi ro.
Sở dĩ có hiện tượng sang tên đổi chủ là do năm 2013 TP Đà Nẵng có chủ trương mở, cho phép các hộ diện giải tỏa được chuyển quyền thuê nhà chung cư cho người cùng hoàn cảnh. Tuy nhiên, lợi dụng điểm này nhiều trường hợp đã sang nhượng sai với luật định. Do vậy, việc dừng chuyển đổi tên hợp đồng thuê căn hộ là nhằm đến mục tiêu người có nhu cầu thực sự về nhà ở sẽ được Đà Nẵng bố trí cho thuê nhà của nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!