Kết nối hai chiều giúp các địa phương mở rộng đầu ra. Còn doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng được tiếp cận nguồn hàng phong phú, chất lượng, với giá cả hợp lý.
Nước mắm Quảng Ninh, bông astiso Đà Lạt, hạt sen sấy bơ Đồng Tháp…, các sản phẩm OCOP, đặc sản của các tỉnh, thành hiện đã có mặt trên các kệ hàng của các hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh.
Từ các hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh, hàng hóa của các tỉnh, thành cũng được đưa đi tiêu thụ ở các chuỗi nhà hàng, bếp ăn lớn khắp thành phố.
Sản phẩm xoài Đồng Tháp được bày bán tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã liên kết với hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước để phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Riêng tỉnh Đồng Tháp, nếu trước đây sản phẩm chỉ được tiêu thụ tại địa phương, thì nay đã có trên 300 sản phẩm OCOP được đưa vào các kênh phân phối của TP Hồ Chí Minh. Sự liên kết này đã tạo điều kiện để bên mua - bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững.
"Kết nối giao thương với TP Hồ Chí Minh đã mở ra cơ hội rất lớn cho sản phẩm của Đồng Tháp, cho doanh nghiệp và nông dân Đồng Tháp. Chúng tôi cam kết giới thiệu những nông dân làm ra những sản phẩm có chất lượng, có uy tín, có sản lượng đủ lớn để cung cấp đến tay người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh", bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết.
"Sẽ tổ chức chương trình kết nối vào cuối năm nay, kết nối các địa phương và các vùng trên cả nước. Trong đó sẽ có những hoạt động kết nối về đặc sản làng nghề, sản phẩm OCOP, các sản phẩm startup", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Tăng cường kết nối hai chiều giữa vùng nguyên liệu và doanh nghiệp xuất khẩu với TP Hồ Chí Minh - "cực nam châm" tăng trưởng, sẽ là tiền đề quan trọng để sản phẩm hàng hóa Việt vươn xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!