"Chúng ta là công dân thủ đô nhưng đi trên đường không khí ô nhiễm nhất, đường tắc nhất, tôi rất buồn. Nhiều khi đi các địa phương, tôi thấy đường sá thênh thang, không khí trong lành tôi lại ước gì Hà Nội được như thế.
Giờ ở Hà Nội ra đường thì trang phục kín mít, không còn nhìn thấy gì nữa vì ô nhiễm quá", đại biểu đoàn Hà Nội - Trần Thị Quốc Khánh cho biết tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội vào sáng nay 9/6.
Theo bà Khánh, Luật Thủ đô có nói đến các công trình liên quan môi trường giao thông mà ngân sách không đủ thì Chính phủ phải báo cáo Quốc Hội để giải quyết.
"Nhưng Chính phủ chưa bao giờ báo cáo với Quốc hội về vấn đề này. Tôi cũng đã chất vấn Chính phủ về vấn đề này. Rất là bí bởi không có đủ nguồn lực để xử lý. Tôi cũng đã nhiều lần nói về vấn đề sông Tô Lịch, bao giờ nó trong xanh thì thôi không nói nữa", bà Khánh cho biết.
Đại biểu đoàn Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh
Theo bà Khánh, chính vì những điều nói trên, lần này Hà Nội đề xuất để có 1 cơ chế cởi mở cho một Thủ đô phát triển, đúng như nguyện vọng người dân Hà nội cũng như cử tri cả nước, "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Thủ đô".
"Nó phải xứng tầm. Các dự án đầu tư về Hà Nội cần có chiến lược chứ không thể nhỏ giọt với cơ chế xin - cho", bà Khánh nhấn mạnh.
Cơ chế đặc thù cho Hà Nội chưa xứng tầm
Cũng đề cập về vấn đề cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Hà Nội phát triển quy định trong luật bị "vo tròn thành cái chung" hoặc không còn hiện hữu trong đó. Theo ông Thường, những phát huy của Luật Thủ đô để Hà Nội phát triển là hạn chế.
Nói riêng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, ông Thường cho rằng so với Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách cho TP.HCM thì không toàn diện bằng, không đầy đủ bằng và mang tính đơn lẻ.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường
"Cái này rất dễ để thông qua nhưng cái này chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần phát triển", ông Thường nhấn mạnh.
Theo Thường, hiện môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân của Hà Nội bắt đầu có những vấn đề bộc lộ…
"Năm 2008, cộng cả TP.Hà Nội và tỉnh Hà Tây, tỷ lệ mật độ đường km/km2 vào khoảng 2,38km/km2. Sau hơn 10 năm, chúng ta đạt được 3km/km2. Tôi nói như thể để biết được chúng ta đang ở đâu so với các nước trong khu vực là 6km/km2 với các đô thị, so với các nước đang phát triển 10 – 12km/km2", đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.
Theo ông Thường, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, nhưng chưa có 1 tuyến metro nào đi vào hoạt động.
"Theo quy hoạch chúng ta có 8 tuyến, trung bình 15km/tuyến, 8 tuyến là 120km. Tính trung bình 100 triệu usd/km (cả dưới ngầm và trên cao), với ngân sách của TP hiện nay là rất khó khăn.", ông Thường khẳnh định.
Sáng 9/6, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!