Đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng tiền đặt cọc khi tiến hành đấu giá

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 28/11/2023 15:34 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm hướng tới phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thúc đẩy công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá, một số đại biểu đề nghị cần nâng tiền đặt cọc khi tiến hành đấu giá.

"Trong thực tế, người có nhu cầu thực sự tham gia đấu giá hầu hết đã có sự chuẩn bị nguồn tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí họ chuẩn bị đủ 100% số tiền dự kiến sẽ bỏ ra. Cho nên họ sẽ không băn khoăn về số tiền đặt trước là bao nhiêu. Việc tăng mức tiền đặt trước cao theo tôi sẽ là rào chắn an toàn đối với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá, mà chỉ tham gia với mục đích thông đồng để dìm giá để trục lợi", ông Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng tiền đặt cọc khi tiến hành đấu giá - Ảnh 1.

Ông Trần Nhật Minh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Các ý kiến cũng đề nghị cần quy định các hành vi nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản và chế tài xử lý nếu vi phạm.

"Cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá hay việc liên kết nhận uỷ quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, thứ 3 vào Điểm 5, Điều 9, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi lần này. Từ đó khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, người tham gia đấu giá có thể trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc bóp méo thị trường", ông Trần Văn Khải - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề xuất.

Theo ông Phạm Đức Ấn - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: "Thời gian qua, có tình trạng thông thầu, thông đồng, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi và có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện. Do vậy, về trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của Luật Đấu giá cần có những hướng dẫn để thu thập thống kê, thông tin của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường và cùng phối hợp với Bộ Công an để có những điều tra, xử lý".

Trước đó, với đa số đại biểu tham gia tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Đề nghị xử lý hình sự với người trúng đấu giá rồi bỏ cọc Đề nghị xử lý hình sự với người trúng đấu giá rồi bỏ cọc

VTV.vn - Theo đại biểu Quốc hội, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc bỏ cọc đấu giá, làm lũng đoạn thị trường, lu mờ hình ảnh của cuộc đấu giá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước