1.234 - dãy số tăng dần rất đẹp và cũng là điểm số của VN-Index sau phiên tăng vừa qua. Sắc xanh đã lan tỏa khá tốt cho thấy sự tự tin của các nhà đầu tư, tuy nhiên đà phục hồi đang chưa thu hút được dòng tiền lớn, giá trị khớp lệnh trên HOSE vẫn quanh ngưỡng 11.000 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư ngoại cũng đã giải ngân mua ròng trở lại, tính chung toàn sàn HOSE thì tổng giá trị khá khiêm tốn, chỉ hơn 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, có những mã cổ phiếu được mua khá mạnh như MSN với gần 90 tỷ đồng, CTG hơn 55 tỷ đồng… hay trên Sàn Hà Nội, khối ngoại cũng mua ròng gần 58 tỷ đồng cổ phiếu PVS.
Theo các chuyên gia, quy mô bán ròng tăng đột biến trong thời gian ngắn cho thấy động thái dứt khoát của một số nhà đầu tư ngoại để cơ cấu danh mục, hoạt động này thường diễn ra mạnh vào giữa năm hoặc cuối năm, vì vậy áp lực bán sẽ có thể giảm bớt trong thời gian tới. Thực tế giá trị trị bán của khối ngoại từ đầu tháng 11 đến nay đã thu hẹp đáng kể chỉ còn hơn 12.000 tỷ đồng.
Trong điều kiện thuận lợi, FED hạ lãi suất trong tháng 12 tới, tỷ giá tiếp tục ổn định, dòng tiền của khối ngoại có thể sớm quay trở lại.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, nhìn về bức tranh trung và dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước hồi phục trong các quý tới, dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường năm nay sẽ đạt 18 - 20%. Vì vậy, những nhịp biến động cũng có thể là cơ hội để các nhà đầu tư cơ cấu hoặc gia tăng danh mục một cách hiệu quả, miễn là phải "đãi cát tìm vàng".
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VPBank, định giá P/E (giá trên lợi nhuận) của 9/16 ngành đã về mức thấp hơn trung bình 8 năm qua. Có thể kể đến như: Ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản… Còn xét về định giá P/B (giá trên giá trị sổ sách), có tới 14/16 ngành đang có định giá thấp hơn trung bình 8 năm. Như vậy, xét thuần về định giá trong dài hạn, nhiều nhóm ngành đã xuất hiện cơ hội đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Xét về triển vọng chung, tăng trưởng của nền kinh tế, nền lãi suất thấp và môi trường đầu tư cải thiện chính là các yếu tố thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các ngành.
Một số nhóm có lợi nhuận kém tích cực trong năm 2024 cũng được đánh giá khả quan cho năm sau, điển hình như bất động sản, bởi những gì khó khăn nhất có thể đã được phản ánh.
Các nhà phân tích cũng lưu ý, để chọn được doanh nghiệp tốt, cần ưu tiên các yếu tố cơ bản và lịch sử giao dịch của cổ phiếu trên sàn. Việc xây dựng danh mục cũng cần tuân theo khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, không nên "bỏ trứng vào 1 giỏ" mà cần có sự phân bổ hợp lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!