"Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2022" vừa được công bố đã cho thấy nhiều lo ngại từ các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là với các đe dọa từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Trong cuộc khảo sát của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, chỉ 1 trong số 10 chuyên gia được hỏi có ý kiến cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 3 năm tới và chỉ 1/6 các nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong tổng số 1.000 người được phỏng vấn.
"Trong ngắn hạn, Chính phủ các nước sẽ phải xử lý rất nhiều chuyển đổi kinh tế như chuyển từ tình huống khẩn cấp với hàng loạt chương trình cứu trợ và kích cầu sang trạng thái phục hồi, dành nhiều đầu tư hơn cho tương lai", bà Saadia Zahidi - Giám đốc điều hành WEF cho hay.
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters.
Quá trình chuyển đổi được dự báo sẽ diễn ra chậm do dịch COVID-19 vẫn kéo dài dai dẳng. Một vấn đề lớn là tình trạng bất bình đẳng vaccine, kéo theo sự phục hồi không đồng đều giữa các khu vực và nền kinh tế nhiều khả năng sẽ dẫn đến bất ổn xã hội và trạng thái căng thẳng cả trong nội bộ quốc gia lẫn trên phạm vi quốc tế.
Trong dài hạn, WEF cho rằng biến đổi khí hậu vẫn là rủi ro lớn nhất cho kinh tế thế giới. Tuy nhiên, WEF thừa nhận, đặt trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, ít quốc gia nào có động lực và mong muốn hành động tức thời để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon.
Ngoài đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, WEF còn đề cập đến nhiều rủi ro khác như an ninh mạng, sức ép di dân và cuộc canh tranh ngày càng quyết liệt trên không gian vũ trụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!