Đại dịch làm thay đổi thói quen chi tiêu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

PV-Thứ năm, ngày 06/05/2021 07:02 GMT+7

VTV.vn - 94% người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc sử dụng các phương thức thanh toán mới nổi trong năm nay.

Các phương thức thanh toán mới nổi có thể kể đến như mã QR, ví điện tử, ví di động, trả góp, tiền mã hóa, sinh trắc học... 

Đây là kết quả mà Chỉ số thanh toán mới của Mastercard đã thu thập được từ 18 thị trường trên toàn cầu.

Cũng theo báo cáo mới này, 84% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước. Đặc biệt, các chủ doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng 74% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm thường xuyên hơn tại các doanh nghiệp nhỏ nếu có thêm các tuỳ chọn thanh toán.

Đại dịch làm thay đổi thói quen chi tiêu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Ông Sandeep Malhotra, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Sản phẩm và Đổi mới Sáng tạo của Mastercard khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Nghiên cứu của Mastercard chỉ ra rằng người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ sử dụng các công nghệ thanh toán mới, mà còn chủ động có những thay đổi dựa trên sự cần thiết và cân nhắc về những mối quan tâm tối quan trọng như an toàn cá nhân, tính bảo mật và sự tiện lợi. Sự cởi mở với các công nghệ và sáng tạo mới của người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đã được công nhận trên bình diện toàn cầu. Những kết quả từ nghiên cứu củng cố rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn, khi nhiều lựa chọn thanh toán số đang nhanh chóng trở nên phổ biến tại khu vực này".

Trên thực tế, 69% người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương tham gia nghiên cứu dự định sẽ ít sử dụng tiền mặt hơn trong năm tới. Trong khi đó, ví điện tử hay ví di động đã trở nên khá phổ biến đối với người tiêu dùng tại khu vực này. 68% số người được hỏi dự định sẽ sử dụng loại hình thanh toán này trong năm tới - cao hơn mức trung bình toàn cầu là 62%.

Thanh toán bằng mã QR đặc biệt phổ biến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương 

Mã QR có sức hút đặc biệt lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với những nơi khác thế giới. 

Trong số những người sử dụng mã QR để thanh toán, 63% cho biết trong năm vừa qua, họ sử dụng hình thức này thường xuyên hơn so với trước đây. Tỷ lệ này là 64% ở cả Thái Lan và Ấn Độ, cao hơn mức trung bình toàn cầu 56%. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, đa số người được hỏi cho rằng các phương thức thanh toán mới như mã QR giúp cho việc thanh toán trực tiếp đảm bảo vệ sinh (76%) và thuận tiện hơn (71%), vì khi đó người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động của mình. 

77% người tiêu dùng Thái Lan và 71% người tiêu dùng Ấn Độ cho rằng mã QR an toàn, trong khi chỉ có lần lượt 67% và 64% người tiêu dùng tại hai quốc gia này xem tiền mặt là một hình thức thanh toán an toàn. Điều này đã chứng tỏ sự tin tưởng của người dân đối với mã QR và các hình thức thanh toán số khác.

Đại dịch làm thay đổi thói quen chi tiêu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

An ninh là mối quan tâm hàng đầu 

27% số người được hỏi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho hay họ từng bị lừa đảo trong năm trước, và theo họ, cần có sự đảm bảo nhất định cho người tiêu dùng; 79% cho biết họ sẵn sàng thử các công nghệ thanh toán mới nếu nhận thấy chúng an toàn, và 85% muốn chắc chắn rằng các tùy chọn thanh toán do người bán đưa ra là an toàn. 

Giao dịch không tiếp xúc tăng vọt

Một nghiên cứu gần đây trên 5.500 đơn vị lớn sử dụng dịch vụ của Mastercard cho thấy từ Quý I năm 2020 đến Quý I năm 2021, hơn 1/5 số đơn vị này trên toàn cầu đã bổ sung cách thức kết nối với người tiêu dùng, thông qua kênh thương mại điện tử hoặc chấp nhận giao dịch không tiếp xúc.

Trong cùng thời kỳ, Mastercard đã ghi nhận ​​tổng số giao dịch không qua thẻ tăng hơn 30% trên toàn cầu, và hơn 100 thị trường chứng kiến tỷ trọng giao dịch ​không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp tăng ít nhất 50%. Chỉ trong quý đầu tiên của năm 2021, Mastercard đã ghi nhận ​​thêm 1 tỷ giao dịch không tiếp xúc so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu ở Ấn Độ và Thái Lan, nơi mức sử dụng tăng lần gấp 2 lần và 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước