Đại dịch “tình cờ” thúc đẩy thị trường đồ gỗ ở châu Âu: Cơ hội cho Việt Nam

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 17/05/2021 13:06 GMT+7

VTV.vn - Thị trường đồ gỗ ở châu Âu tiếp tục chuyển dịch và tăng trưởng do các nhu cầu mới trong đại dịch đang là cơ hội cho nước xuất khẩu đồ gỗ vào châu Âu, trong đó có Việt Nam.

Một trong những ngành kinh doanh phát triển được trong thời dịch bệnh là đồ gỗ nội thất, ngoại thất. Một tờ tuần báo ra tại Anh đã có bài viết về cơ hội tuyệt vời mà đại dịch tình cờ mang đến cho tập đoàn bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới Ikea.

Tờ báo Anh viết: "Ngay cả những người nhìn xa trông rộng nhất cũng khó có thể hình dung thế giới sẽ thay đổi như thế nào sau một năm đại dịch. Người sáng lập Tập đoàn Ikea khi còn sống đã từng nói rằng, khủng hoảng là cơ hội tốt nhất, lúc đó ông ấy cũng không thể tưởng tượng được quy mô của đại dịch và những cơ hội mà nó mang lại cho doanh nghiệp".

Từ khi bị hạn chế ra khỏi nhà, người dân châu Âu quan tâm hơn nhiều tới chất lượng đồ đạc trong gia đình. Các công sở buộc phải cải tạo không gian làm việc cho phù hợp với yêu cầu giãn cách. Các cửa hàng phải bố trí lại để khách hàng giảm chạm tay vào sản phẩm và chạm vào nhau… Tất cả đang thúc đẩy thị trường đồ nội thất, ngoại thất ở châu Âu, thực sự là một cơ hội cho ngành bán lẻ đồ gỗ.

Trong hàng trăm cửa hàng của Tập đoàn Ikea trên khắp châu Âu đều có bán đồ gỗ sản xuất tại Việt Nam. Châu Âu vẫn phải nhập khẩu đồ gỗ, mỗi năm khoảng 80 tỷ Euro, trong đó từ Việt Nam khoảng 800 triệu Euro.

Đại dịch “tình cờ” thúc đẩy thị trường đồ gỗ ở châu Âu: Cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1.

Từ khi bị hạn chế ra khỏi nhà, người dân châu Âu quan tâm hơn nhiều tới chất lượng đồ đạc trong gia đình. (Ảnh minh họa: The Executive Centre)

"Thị trường đồ gỗ châu Âu đang sôi sục", theo một tờ báo của Cộng hòa Czech khi viết về một tập đoàn lớn của Áo cũng chuyên về bán lẻ đồ nội thất vừa mở thêm cửa hàng thứ 10 tại Czech. Bài báo nhấn mạnh: "Doanh số bán lẻ đồ gỗ ở Áo trong đại dịch đã tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020, ở Đức tăng khoảng 80%, và ở Czech là từ 25 - 30%.

Nhật báo Pháp Le Figaro cũng viết rằng: "Làm việc từ xa và phong tỏa đã kích thích thị trường đồ gỗ".

Bài báo viết: "Động lực lúc này của thị trường là nhu cầu thay đồ gỗ cũ bằng đồ gỗ mới và nâng cấp đồ gỗ trong nhà. Người Pháp muốn sống tiện nghi hơn và chi nhiều hơn để mua đồ gỗ chất lượng".

Theo thống kê, người tiêu dùng nay sẵn lòng chi thêm 14% khi mua cái bàn, cái ghế, hay tủ sách; chi thêm 8% khi mua sofa. Một chủng loại đồ gỗ nữa cũng đang bán rất chạy là đồ gỗ dùng trong vườn nhà. Sản phẩm từ Việt Nam đều hiện diện trong các dòng đồ gỗ này, ở dạng sản phẩm hoàn chỉnh hoặc thành phần của sản phẩm hoàn chỉnh.

Trước đó, từ tháng 8/2020, đồ gỗ Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường châu Âu kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực.

Ngăn chặn tình trạng đầu tư “núp bóng” để ngành gỗ Việt phát triển Ngăn chặn tình trạng đầu tư “núp bóng” để ngành gỗ Việt phát triển

VTV.vn - FDI hiện là bộ phận quan trọng của ngành gỗ. Tuy nhiên một số hoạt động đầu tư trong thời gian qua ẩn chứa rủi ro lớn, đặc biệt là tình trạng đầu tư “núp bóng”...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước