Đại diện dự án OWIFI 5G: "Người hùng" Blockchain hay "kẻ chém gió"?

Khánh Huyền-Thứ tư, ngày 17/06/2020 13:05 GMT+7

VTV.vn - Dự án Owifi 5G tuy chưa được cấp phép song lại được đại diện công ty CSE Singapore "lăng xê" lên trời khiến nhiều người tin vào những lời tung hô kia và đầu tư vào Owifi.

"Chỉ cần ngủ cũng có tiền", hay "Từ chối thì tiền cũng không chịu", "Đồng tiền CSE là 1 đề tài blockchain đầu tiên trên thế giới về khoa học, được Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam công nhận"...

Đây là những phát ngôn "dậy sóng" giới đầu tư công nghệ của ông Phan Ngọc Vũ - Đại diện Công ty CSE Singapore, đơn vị triển khai dự án Owifi 5G, một dự án chưa được cấp phép trong thời gian vừa qua.

Trong các buổi hội thảo, hội nghị quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm người tham dự, nhiều lần ông Phan Ngọc Vũ cùng ông Trịnh Văn Sao - Giám đốc Công ty CSE Việt Nam quảng cáo là "Công nghệ 5G của Owifi cho tốc độ nhanh gấp 100 lần tốc độ hiện tại. Nhiều Bộ ban ngành, địa phương của Việt Nam đã sử dụng công nghệ này vào công việc và quản lý nhân sự."

Đại diện dự án OWIFI 5G: Người hùng Blockchain hay kẻ chém gió? - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đã tung hô ông Phan Ngọc Vũ lên tận mây xanh là người anh hùng thời đại mới.

Tuy nhiên trên thực tế, Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đã đem cục Owifi 5G mà Công ty CSE Singapore tặng, đi phân tích kỹ thuật thì mới vỡ lẽ ra, cục Owifi 5G này thực chất chỉ là thiết bị thu phát sóng sử dụng băng tần 5GHz, chứ không hề phát được 5G như công ty đã quảng cáo.

"Công nghệ 5G hiện giờ các đơn vị viễn thông Việt Nam mới đang thử nghiệm, chưa được thương mại, làm gì có chuyện 1 cục wifi như thế này phát được 5G", ông Nghiêm Văn Hách - Phó giám đốc Sở thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Đại diện dự án OWIFI 5G: Người hùng Blockchain hay kẻ chém gió? - Ảnh 2.

Ông Nghiêm Văn Hách - Phó Giám đốc Sở thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh.

Cũng tại các buổi hội thảo, hội nghị, ông Phan Ngọc Vũ - đại diện Công ty CSE Singapore từng nhiều lần khoe khoang rằng: "Ngày 28/6/2019 tại Hội thảo khoa học quốc gia do Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức, thì chúng tôi báo cáo đề tài, phản biện thành công, được công nhận là đề tài blockchain đầu tiên trên thế giới về khoa học."

Với những lời giới thiệu đầy hấp dẫn này, các nhà đầu tư đã tung hô ông Phan Ngọc Vũ lên tận mây xanh. Thậm chí, có người còn bày tỏ tình cảm, phát biểu tại Hội nghị rằng: "Anh Vũ là cứu tinh của nhân loại, hay là người anh hùng thời đại mới, đã mang công nghệ 5G về cho Việt Nam"

Thế nhưng, liên hệ với Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, thì PGS.TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ -Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. 

Vì Hội thảo trên không phải do Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam tổ chức, mà là do Viện công nghệ thông tin phối hợp với Đại học Thái Bình tổ chức. Đề tài mà ông Phan Ngọc Vũ nhắc đến là "blockchain đầu tiên trên thế giới về khoa học" chỉ đơn giản là 1 báo cáo tham gia hội thảo. Báo cáo chỉ dừng ở việc đề xuất ý tưởng, không có đột phá gì như ông Vũ quảng cáo. Ngoài ra, Hội thảo này không phải là tổ chức công nhận bất kỳ tính năng, giải pháp nào trình bày trong hội thảo.

Đại diện dự án OWIFI 5G: Người hùng Blockchain hay kẻ chém gió? - Ảnh 3.

Tuy chưa được cấp phép, CSE Singapore vẫn làm lễ ra mắt rầm rộ cho dự án Owifi.

Một chi tiết quan trọng khác khi về triển khai dự án Owifi 5G, ông Phan Ngọc Vũ có đến liên lạc với Viện khoa học và giáo dục Đông Nam Á, để phối hợp triển khai dự án tại tỉnh Bắc Ninh. Nhưng ngay sau đó, ngày 30/8/2019, Viện này đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh thông báo về việc không tham gia dự án và không hợp tác với CSE Singapore nữa. Lý do không hợp tác sau đó được 1 vị đại diện của Viện này chia sẻ là do CSE Singapore không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan nào đến việc được cấp phép dự án, cũng như các giấy tờ chứng minh về công nghệ 5G.

Cách đây hơn 1 năm, Công ty CSE Singapore có phối hợp với Công ty TNHH Golden Net triển khai dự án Owifi 5G, với mục đích tự quảng cáo rất cao cả là phủ sóng miễn phí ra cộng đồng. Nhưng đằng sau dự án mang tính nhân văn ấy, CSE Singapore lại đang có dấu hiệu hoạt động bất minh, khi dựa vào dự án này đã huy động vốn với lãi suất cao, lên tới 72%/năm. 

Đại diện dự án OWIFI 5G: Người hùng Blockchain hay kẻ chém gió? - Ảnh 4.

Nhà đầu tư chỉ cần bỏ 240 triệu đồng là sẽ được trả lãi suất 72%/năm, được tặng 1 bộ Owifi 5G. Được hưởng hoa hồng môi giới lên tới 5 cấp bậc nếu giới thiệu được nhà đầu tư mới và phát triển chân rết bên dưới theo mô hình đa cấp,

Loạt phóng sự điều tra của Nhóm phóng viên VTV Digital đã lần lượt chỉ ra những dấu hiệu bất thường từ dự án này, việc dự án chưa được Cục Viễn thông - Bộ thông tin và truyền thông cấp phép cho triển khai. Thế nhưng, CSE Singapore đã tổ chức lễ ra mắt hoàng tráng cho dự án tại TP.HCM vào cuối năm 2019. Sau đó, liên tục tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị để tuyên truyền, quảng bá về dự án và lôi kéo các nhà đầu tư bỏ vốn vào dự án này.

Nhà đầu tư chỉ cần bỏ 240 triệu đồng là sẽ được trả lãi suất 72%/năm, được tặng 1 bộ Owifi 5G. Được hưởng hoa hồng môi giới lên tới 5 cấp bậc nếu giới thiệu được nhà đầu tư mới và phát triển chân rết bên dưới theo mô hình đa cấp. Và nếu bộ Owifi 5G này đem đặt tại nơi công cộng thì mỗi một lượt người truy cập vào thì nhà đầu tư sẽ được 1.000 đồng. CSE Singapore cũng hứa hẹn thu nhập ít nhất sẽ kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày.

Đại diện dự án OWIFI 5G: Người hùng Blockchain hay kẻ chém gió? - Ảnh 5.

Kiếm tiền dễ là cách mà Owifi 5G "dụ" người mua.

Các nhà đầu tư thuộc top lãnh đạo cấp cao của Công ty này còn quảng bá, truyên truyền về việc dự án Owifi 5G đã được thực hiện tại tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, và được cấp chính quyền các địa phương rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi phóng viên VTV Digital làm việc với Sở thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh thì đại diện sở này là ông Nghiêm Văn Hách - Phó Giám đốc Sở thông tin truyền thông tỉnh cho biết: "CSE Singapore mới chỉ đến gặp mặt và đề xuất triển khai dự án với UBND tỉnh. Nhưng gần 1 năm nay, họ vẫn chưa gửi được hồ sơ đề án đến cho chúng tôi, thì làm gì có chuyện ký kết, phê duyệt triển khai".

Liên quan đến việc CSE Singapore có biểu hiện kinh doanh đa cấp trái phép, Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương cũng đã lên tiếng cảnh báo và khuyến cáo người dân không nên đầu tư và tham gia và hệ thống của doanh nghiệp này.

Theo điều 217a Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, thì có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước