Dự án Owifi của công ty CSE Singapore đã có những dấu hiệu vi phạm và dấu hiệu bất thường trong hoạt động như: chưa được cấp phép; huy động vốn lãi suất khủng theo mô hình được cho là đa cấp; đặc biệt, cục Owifi 5G của công ty này thực chất cũng chỉ là cục Wifi sử dụng băng tần 5 GHz, không phải công nghệ 5G.
Cứ đầu tư mỗi gói 10.000 USD, tương đương 240 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ được tặng một cục Owifi 5G. Còn số tiền đầu tư sẽ được quy ra tiền ảo có tên là CSE, với trị giá quy đổi ở thời điểm hiện tại là 1 CSE bằng 3 USD.
Cứ đầu tư mỗi gói 10.000 USD, tương đương 240 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ được tặng một cục Owifi 5G.
Để mua được tiền ảo CSE, nhà đầu tư phải bỏ tiền thật để mua Bitcoin, sau đó lấy Bitcoin để mua tiền ảo CSE. Tuy nhiên, nhà đầu tư thường chọn cách đơn giản, đó là đưa tiền thật cho người môi giới (nhà đầu tư trước) để họ bán lại tiền ảo có ở trong ví điện tử của CSE. Nhà đầu tư mới sẽ được cấp tên và mật khẩu để truy cập vào một trang web trên mạng.
Toàn bộ quá trình này đều không có bất kỳ hóa đơn, hay một công ty, một cơ quan chức năng nào ở Việt Nam công nhận và giám sát, thứ duy nhất nhà đầu tư có được là một "hợp đồng thông minh" có ở trong ví điện tử của CSE.
Tuy nhiên, theo anh Hà Thanh Tùng, lãnh đạo điều hành một công ty chuyên về phần mềm cho biết "hợp đồng thông minh" mà CSE nhắc đến ở trên không có gì để đảm bảo, bởi trang web này được tạo ra từ máy chủ ở nước ngoài. CSE không công bố đơn vị thứ 3 nào đứng ra xác nhận cho hợp đồng thông minh này. Không loại trừ khả năng CSE "tự đá bóng tự thổi còi" với cái gọi là hợp đồng thông minh.
Để mua được tiền ảo CSE, nhà đầu tư phải bỏ tiền thật để mua Bitcoin.
"Họ hoàn toàn có thể đánh sập hệ thống, sập sever, họ biến mất khỏi Việt Nam thì ai là người trả tiền cho các nhà đầu tư? Các đồng tiền ảo được bơm giá trị rất là cao nhưng bản chất tiền ảo chỉ là ảo trong máy tính và được giao dịch nội bộ với nhau, chủ yếu là để rút tiền người sau nuôi người trước. Khi người nắm sever tiền ảo đó biến mất cũng có nghĩa là tiền biến mất" - anh Hà Thanh Tùng cho hay.
Theo tìm hiểu, Công ty CSE Singapore không hề thành lập chi nhánh, hay văn phòng nào đại diện nào tại Việt Nam. Riêng đối công ty CSE Việt Nam, do ông Trịnh Văn Sao làm giám đốc, theo giấy phép đăng ký kinh doanh, cũng là 100% vốn tư nhân của người Việt Nam. Ông Sao được coi là trưởng của một nhóm nhà đầu tư của CSE lên tới hàng trăm người. Tuy nhiên, việc mua bán tiền ảo của các nhà đầu tư hoàn toàn thực hiện trên mạng qua trang web của Công ty CSE Singapore. Vì vậy, theo luật sư, sau này nếu có rủi ro thì các nhà đầu tư rất khó để đòi được tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!