Phóng viên VTV Digital đã có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về việc doanh nghiệp chậm trễ hoặc không xin hoãn, giãn nộp thuế.
PV: Ngày 30/7 là hạn cuối cùng nhận giấy xin gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Nhưng hết ngày 30/7 cơ quan thuế mới nhận 184.647 giấy xin gia hạn, với tổng số tiền 56.207 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 26% so với dự kiến ban đầu là 700.000 doanh nghiệp. Ông có thể cho biết những nguyên nhân chính?
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính: Số giấy đề nghị gia hạn nộp thuế đến nay thấp hơn so với ước tính ban đầu vì nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến như số liệu ước tính ban đầu căn cứ vào số thuế của năm 2019 của các đối tượng được gia hạn và thời gian gia hạn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế (NNT) không đạt được như dự kiến, không phát sinh doanh thu, không phát sinh thuế, dẫn đến không có nhu cầu đề nghị gia hạn thuế.
Thực tế, thu NSNN các tháng 4, 5, 6, 7 do cơ quan thuế quản lý đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Riêng quý II/2020, qua việc kê khai thuế của các doanh nghiệp, chỉ có khoảng trên 20% doanh nghiệp có phát sinh thuế GTGT, nghĩa là kinh doanh có lãi để phải nộp thuế.
Ngoài ra, Nghị định 41 chỉ là giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, không phải miễn, giảm thuế, có thể nhiều DN thấy số tiền không lớn và không làm thủ tục gia hạn. Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 tác động phần lớn đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực như du lịch, bất động sản, xuất khẩu…, hoặc các DN có quy mô lớn. Không phải tất cả DN đều nằm trong diện được gia hạn thuế, phát sinh nghĩa vụ thuế. Vì vậy, đa số DN có số thuế phát sinh lớn mới làm thủ tục gia hạn. Còn các DN không bị tác động nghiêm trọng vẫn hoạt động cầm chừng, tuy ít nhưng vẫn có doanh thu, nếu gia hạn sẽ bị dồn thuế đến cuối năm.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Đây là thời điểm DN phải thực hiện nhiều khoản chi, áp lực sẽ càng lớn. Tâm lý chung của các chủ DN muốn trả dần tiền thuế để khỏi dồn vào một lần cuối năm bởi khi ấy có thể làm mất khả năng thanh khoản của họ. Hơn nữa, nếu có nguồn tiền nhàn rỗi trong điều kiện không thể đầu tư ở giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, DN sẽ chọn phương án nộp thuế, không cần gia hạn.
Các DN nhỏ và siêu nhỏ đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020 trong khi thời gian gia hạn không phải tất cả DN nằm trong diện được gia hạn thuế đều phát sinh nghĩa vụ thuế, chỉ đa số DN có số thuế phát sinh lớn làm thủ tục gia hạn. Đối với các DN có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, thường ký kết hợp đồng thuê đất theo chế độ trả tiền thuê đất hàng năm. Do đó, có thể họ đã nộp tiền thuê đất cho năm nay, không có nhu cầu gia hạn nộp tiền thuê đất.
PV: Qua con số trên có phải việc gia hạn nộp thuế chưa giúp gì nhiều cho hơn 70% số doanh nghiệp còn lại chưa có doanh thu?
Ông Đặng Ngọc Minh: Để hỗ trợ doanh nghiệp, có rất nhiều chính sách. Riêng chính sách tài khóa phải dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp phải có thu, mới có tác động. Chính phủ cũng đã có chính sách về tiền tệ hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, các chính sách về an sinh xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết liệt trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Có thể nói trong 7 tháng vừa rồi đánh giá lần đầu tiên đầu tư công đạt trên 42%, đó là con số tích cực và là giải pháp kích thích nền kinh tế, hy vọng những giải pháp này sẽ có hiệu ứng tốt trong thời gian tới.
PV: Dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất của các doanh nghiệp, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch trước. Ngành thuế sẽ tiếp có những biện pháp như thế nào để hỗ trợ người nộp thuế?
Ông Đặng Ngọc Minh: Nhằm hỗ trợ, giảm khó khăn cho Doanh nghiệp và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, thời gian qua Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính trình Chính phủ rà soát để ban hành theo thẩm quyền nhiều loại văn bản miễn, giảm phí, lệ phí, thuế; gia hạn theo NĐ 41, phối hợp thực hiện NQ42.
Hiện nay, Tổng cục Thuế đã và đang hướng dẫn NNT thực hiện các hỗ trợ theo Nghị quyết số 84/NQ-CP để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Các chính sách hỗ trợ tiếp theo, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang phối hợp chặt chẽ dưới sự chỉ đạo Chính phủ, để nghiên cứu ban hành kịp thời các giải pháp tài khóa đủ liều lượng để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới. Những biện pháp mạnh mẽ hơn sẽ phải trình Quốc hội quyết định.
Ngành Thuế cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT thông qua việc triển khai kịp thời các dịch vụ thuế điện tử, đặc biệt là việc tích hợp tất cả các dịch vụ thuế trên cổng dịch vụ công quốc gia.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.
Tính đến hết ngày 30/07/2020, số liệu về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP:
1. Tổng số đề nghị gia hạn: 184.647 (trong đó: DN: 128.832; cá nhân: 55.815).
2. Tổng số tiền gia hạn: 56.207 tỷ đồng trong đó:
+ Thuế GTGT của doanh nghiệp: 31.525 tỷ đồng
+ Thuế TNDN của doanh nghiệp: 20.574 tỷ đồng
+ Tiền thuê đất: 3.393 tỷ đồng.
+ Thuế GTGT+TNCN của cá nhân: 714 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!