Đại học FPT cho sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin: NHNN chưa nhận được đề xuất chi tiết

Đ.H-Thứ năm, ngày 16/11/2017 18:24 GMT+7

VTV.vn - "Liên quan đến trường hợp của Đại học FPT, chúng tôi chưa nhận được đề xuất chi tiết về giao dịch Bitcoin" - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chiều nay (16/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng là vị trưởng ngành thứ hai trả lời chất vấn sau Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Thống đốc Lê Minh Hưng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý, giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trong đó, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu rằng hiện tiền ảo Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng. "Thống đốc có đồng ý đề xuất cho Đại học FPT thu học phí sinh viên nước ngoài bằng tiền Bitcoin hay Công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền Bitcoin này?" - đại biểu Nhường đặt câu hỏi và cho rằng nếu quản lý được thì đây là kênh thu hút vốn đầu tư rất lớn, bắt kịp công nghệ 4.0.

Đại học FPT cho sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin: NHNN chưa nhận được đề xuất chi tiết - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.

Trả lời câu hỏi trên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đây là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước cũng đang nghiên cứu việc điều chỉnh và quản lý Bitcoin.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc cho biết: "Khi nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, chúng tôi thấy các nước có một số nguyên tắc, quy tắc, cách thức để quản lý vấn đề này. Có những nước có cấm tuyệt đối giao dịch Bitcoin; một số nước không thừa nhận là phương tiện thanh toán nhưng khuyến cáo rủi ro liên quan đến giao dịch Bitcoin; rất ít nước như Nhật Bản thừa nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán".

Về quan điểm của Việt Nam, Thống đốc NHNN cho biết đã có những thông cáo báo chí nói rõ: Theo quy định hiện hành, Bitcoin không phải là đồng tiền pháp định và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, tất cả các giao dịch sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán là không đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

"Còn việc nhìn nhận Bitcoin dưới góc độ là một tài sản, là hàng hóa thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã có chỉ đạo rất sớm, giao cho các Bộ ngành và Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu đề án về các khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có Bitcoin" - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm.

Đại học FPT cho sinh viên đóng học phí bằng Bitcoin: NHNN chưa nhận được đề xuất chi tiết - Ảnh 2.

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn chiều 16/11.

Thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp từ góc độ quản lý Nhà nước về tiền tệ để có cơ sở pháp lý để quản lý Bitcoin. Ông cho rằng trong xu thế phát triển hiện nay của thế giới, cần phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý các loại tài sản ảo, tiền ảo trong đó có Bitcoin.

"Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề án báo cáo Chính phủ" - Thống đốc tái khẳng định.

Liên quan đến trường hợp của Đại học FPT trong câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết chưa nhận được đề xuất chi tiết về giao dịch Bitcoin.

"Nếu nhận được thì trong thẩm quyền của NHNN, chúng tôi sẽ giao đơn vị chức năng nghiên cứu và hướng dẫn Đại học FPT và các tổ chức liên quan nếu có để thực hiện đúng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam" - Thống đốc nhấn mạnh.

Tiền ảo Bitcoin ngừng giao dịch, hàng trăm hộ dân điêu đứng Tiền ảo Bitcoin ngừng giao dịch, hàng trăm hộ dân điêu đứng

VTV.vn - Hoạt động theo mô hình đa cấp, “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” đã biến mất khi trang web sàn giao dịch đóng cửa, hàng chục tỷ đồng của người dân ở Gia Lai mất trắng.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước