Ngày 17/7, Mỹ chính thức công bố danh mục các điều khoản mà nước này dự định sẽ thương lượng lại trong Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Một trong những ưu tiên hàng đầu từ phía Mỹ là giảm thâm hụt thương mại với Mexico. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích cuộc thương lượng này sẽ không diễn ra chóng vánh như dự kiến.
Theo CNNMoney, năm 2016, Mỹ để hụt mất 63 tỷ USD về tay nước láng giềng Mexico. Quan chức Mỹ tin rằng chính Mexico đã khiến các thị trấn công nghiệp của Mỹ ngày càng hoang tàn. Chi phí đầu tư thấp, khiến các nhà máy dần bỏ sang Mexico.
Theo tờ USAToday (Nước Mỹ Ngày nay), qua đàm phán, Mỹ muốn xoá bỏ cơ chế bảo hộ của NAFTA vốn cho hàng hóa 3 nước chạy qua biên giới của nhau mà không mất thuế. Nước Mỹ cho rằng hàng hoá của 2 nước còn lại chạy qua biên giới của họ nhiều hơn. Nếu được tính thuế, nước Mỹ sẽ đỡ thiệt thòi.
Không chỉ thuế, khi đàm phán lại, Mỹ dự kiến cũng sẽ gây sức ép để 2 nước còn lại phải nâng cao tiêu chuẩn lao động, đặc biệt là tại Mexico. Nếu điều này xảy ra, lương nhân công ở Mexico sẽ đắt đỏ hơn, môi trường đầu tư sẽ không còn hấp dẫn hơn Mỹ.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Washington (WSP) cho rằng, sẽ còn con đường dài phía trước. Cả 3 bên đều phải mất chừng vài tháng để xin ý kiến đàm phán lên các quốc hội. Sau đó, nếu được chấp thuận sẽ mất một vài tháng hoặc vài năm đàm phán. Đàm phán xong, kết quả tiếp tục lại được trình lại các cơ quan lập pháp của các nước để bỏ phiếu…
Nếu thương lượng thất bại thì sẽ chẳng nước nào mừng. Bởi, Mexico và Canada đang cần thị trường Mỹ. Còn Mỹ vẫn cần hàng hóa rẻ từ 2 nước này.
Tuy nhiên, nếu đàm phán thành công theo hướng của Mỹ, chưa chắc kết quả đã thực sự đáng mừng với nước này. Tờ The Economist lấy minh chứng là ngành nông nghiệp. Kể từ khi NAFTA ra đời, đến nay, giá trị hàng nông sản của Mỹ xuất sang Mexico và Canada tăng gần 6 lần, đạt 39 tỷ USD vào năm 2015.
Theo WSP, vùng được hưởng lợi từ xuất khẩu nông nghiệp lại chính là khu vực Trung Tây nước Mỹ. Nơi đây tập trung những tiểu bang đã từng giúp ông Trump thắng cử vào năm 2016. Kế hoạch đàm phán lại NAFTA đang khiến người nông dân ở đây thực sự lo lắng. Bởi, thuế cao có thể khiến giá hàng hoá kém cạnh tranh hơn.
Kế hoạch đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) cũng sẽ vướng phải một số vấn đề về chính trị. Năm 2018, nước Mỹ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống giữa kỳ, còn Mexico cũng sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống. Vì vậy, đây rất có thể là những yếu tố khiến cho cuộc đàm phán lại hiệp định NAFTA của chính quyền ông Donald Trump dài hơn dự định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!