Trên thẻ nhận diện mã luồng xanh dù đã có ghi cụ thể về điểm giao nhận hàng hóa, nhưng theo nhiều lái xe, họ vẫn không đến được nơi giao hàng cuối cùng, đặc biệt là khi đi qua các tuyến đường liên huyện, liên xã, chốt kiểm soát cho vào, chốt lại không cho qua.
"Nếu giao hàng trên trục đường chính không ai thắc mắc, nhưng có đơn vị cách trục chính khoảng 2 - 3 km, vào chốt rất khó khăn", lái xe Trần Văn Hùng cho biết.
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc đăng ký luồng xanh còn chưa hợp lý ở việc ghi điểm đi, điểm đến trong hành trình và mặt hàng trong thẻ nhận diện.
Ví dụ như một chiếc xe cứu hộ, phải đăng ký lộ trình điểm đến là rất khó khăn, khi nhu cầu kéo xe hỏng có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Chính vì không có trong lộ trình đã đăng ký, mới đây chiếc xe này đã phải quay đầu tại một chốt kiểm soát ra vào cửa ngõ Hà Nội.
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra các phương tiện ra, vào thành phố tại chốt kiểm dịch đầu cầu Trung Hà, huyện Ba Vì. (Ảnh: TTXVN)
"Ở chiều về, ví dụ 1 xe miền nam chở hàng ra cửa khẩu phía Bắc giao hàng xong, người ta phải ở lại 1 - 2 ngày để tìm hàng về. Hàng về khi có chủ hàng được tiếp cận mới biết chở gì và đến đâu. Vì vậy, ở chiều về họ chưa xác định được hàng gì, chưa biết chở hàng về đâu. Khi biết chở về đâu, đi trên quốc lộ có thể họ biết, nhưng đến đường tỉnh, huyện, xã rất khó khăn", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho hay.
Mới đây lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu, trừ hàng cấm. Mọi tuyến đường đều là luồng xanh, dù cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ hay đường thôn, xã và tất cả xe chở hàng đều được lưu thông.
Tuy nhiên xe có thẻ nhận diện được ưu tiên nhanh qua các chốt kiểm soát, xe không có thẻ cũng được đi lại bình thường, nhưng sẽ chịu kiểm tra chặt chẽ hơn tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!