Người tiêu dùng Mỹ tiếp tục mạnh tay chi tiêu
"Người dân Mỹ vẫn mạnh tay chi tiêu" - đó là nhận định được nhiều tờ báo tại Mỹ đưa ra trong tuần qua. Bất chấp áp lực từ mức lạm phát và lãi suất cao, những biến động trên thị trường tài chính, và cả môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn, người tiêu dùng Mỹ, có vẻ vẫn sẵn sàng mở hầu bao, chi tiêu, mua sắm và dĩ nhiên, là hỗ trợ nền kinh tế.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ đã tăng 0,7% trong tháng 9 - cao hơn gấp đôi so với mức dự báo của các chuyên gia kinh tế và đánh dấu tháng tăng thứ sáu liên tiếp. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu mạnh mẽ tại các đại lý ô tô, dịch vụ mua sắm trực tuyến và dịch vụ ăn uống tại nhà hàng.
Theo Thời báo Phố Wall, trước đó các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giải trí, du lịch và lưu trú cũng hưởng lợi từ sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ. Các hãng hàng không như Delta Airlines đã ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục sau một mùa hè bùng nổ, trong khi một số nền tảng bán vé sự kiện đã đạt doanh số tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dryden Pence, Giám đốc đầu tư, Quỹ Pence Capital, nói: "Người tiêu dùng vẫn đang chi tiêu. Điều này cung cấp những sự hỗ trợ cho nền kinh tế, tránh khỏi nguy cơ suy thoái".
Ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành Ngân hàng Bank of America, nhận định: "Số tiền mà người tiêu dùng Mỹ đã chi tiêu trong tháng 9 đã cao hơn 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự mạnh mẽ này của người tiêu dùng là một điều đáng ngạc nhiên đối với nền kinh tế".
Sức chi tiêu mạnh mẽ tại Mỹ là một điều đáng ngạc nhiên nếu biết rằng, cùng thời điểm này, người tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn khác đang có quan điểm thận trọng hơn trong chi tiêu, do áp lực từ lạm phát hay lãi suất. Đâu là lý do?
Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên VTV Money đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thái Thanh - Thường trú ĐTHVN tại Mỹ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Xin chào anh Thái Thanh, anh có thể cho biết, những yếu tố nào đã đảm bảo sức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ trong suốt thời gian qua?
Phóng viên Thái Thanh: Quan trọng nhất vẫn là có việc làm. Các kỷ lục về việc làm mới liên tục được lập. Còn lương trung bình, cũng tăng vài cent so với cùng kỳ năm ngoái, hiện ở mức hơn 33 USD/giờ. Người Mỹ, nói chung, khi có việc làm, có thu nhập thì sẽ không ngần ngại chi tiêu.
Thứ hai là thói quen tiêu dùng. Người Mỹ hầu như không dùng tiền mặt, tiêu bằng thẻ tín dụng, tiêu trước, trả sau. Từ mua nhà, mua xe, đến máy tính xách tay, hay điện thoại, chỉ trả khoảng 20 phần trăm, còn lại sẽ trả dần, và sẽ trả được nếu có việc làm.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ vừa công bố kết quả cuộc khảo sát về tài chính hộ gia đình trong 3 năm 2019 đến 2022, đo đếm toàn diện các chỉ số gồm thu nhập, giá trị tài sản, mức độ sử dụng thẻ tín dụng, dư nợ của các hộ gia đình Mỹ. Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ gia đình có nợ ở Mỹ năm ngoái là 76,6%, và trong cơ cấu các khoản nợ, tỷ lệ các khoản vay mua trước, trả sau tăng 8 điểm phần trăm trong 3 năm, lên mức 18,5% vào năm 2022 và cách chi tiêu này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Mỹ trong việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ.
Cho dù chịu tác động của COVID-19, của lạm phát, nhưng giá trị tài sản của các gia đình người Mỹ, năm 2022 đã tăng 37% so với năm 2019 sau khi trừ đi các yếu tố lạm phát. Còn nền kinh tế Mỹ thì vẫn đang tăng trưởng, điều này, lý giải, tại sao người Mỹ vẫn mạnh tay chi tiêu. Việc người Mỹ mạnh tay chi tiêu, theo tôi, cũng có tác dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam, bán được nhiều hàng, từ dệt may, da giầy, đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ đến nông sản thực phẩm.
Ngoài ra, xu hướng chi tiêu mạnh mẽ quá mức cũng được cho là tiềm ẩn một số rủi ro trong dài hạn đối với sức khỏe tài chính của người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ. Thưa anh Thái Thanh, anh có thể phân tích rõ hơn về những rủi ro này?
Phóng viên Thái Thanh: Rủi ro là không trả được nợ khi mua trước, trả sau. Cái này mỗi người phải tự cân đối chi tiêu trong khả năng chi trả của mình. Hiện dư nợ thẻ tín dụng trung bình tại một gia đình Mỹ ở mức kỷ lục là 300 USD.
Tăng nợ, tức là phần tích luỹ sẽ giảm, và đi kèm gia tăng rủi ro khi mất việc làm hoặc gặp phải những vấn đề về sức khoẻ hay bệnh tật
Về vĩ mô, nhu cầu mua sắm tăng, sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, lạm phát sẽ làm tiêu tan tất cả các thành tích kinh tế của chính phủ, tác động tiêu cực đến việc kinh doanh của doanh nghiệp và làm giảm tiền tích luỹ của mỗi gia đình. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn đang hết sức thận trọng trước các chỉ số tiêu dùng vừa được công bố và hồi hộp theo dõi chỉ số lạm phát từ nay đến cuối năm.
Tác động của làn sóng chi tiêu lên kinh tế Mỹ
Chi tiêu tiêu dùng đã và đang góp phần thúc đẩy đáng kể nền kinh tế Mỹ. Từ chỗ bị giới chuyên gia dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, giờ đây, kinh tế Mỹ, theo ước tính của FED chi nhánh Atlanta, có thể đạt mức tăng trưởng GDP 5,4% trong quý III, vượt xa quý II.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, các nhà phân tích cũng bắt đầu đưa ra những cảnh báo về một số vấn đề trong xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng. Thời báo Phố Wall mới đây đã chỉ ra một hiện tượng thiếu bền vững, đó là một số người dân Mỹ đang chi tiêu "như thể không biết đến ngày mai".
Theo đó, những bất ổn do đại dịch COVID-19 hay những khó khăn do lãi suất cao, đã khiến nhiều người không còn mặn mà với việc tích lũy lâu dài, hay mua nhà nữa, mà thay vào đó lựa chọn tiêu tiền vào việc mua sắm, các chuyến đi nghỉ dưỡng để tận hưởng cuộc sống.
Hạ nhiệt tiêu dùng – Con dao 2 lưỡi với kinh tế Mỹ
Một số liệu đáng chú ý là lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 đã lại tăng nhanh hơn mức dự kiến, cho thấy sức chi tiêu mạnh mẽ đang khiến cuộc chiến chống lạm phát của FED trở nên phức tạp hơn.
Đối mặt với vấn đề này, đã có những dự báo là FED sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao hay thậm chí nâng lãi suất ít nhất là một lần nữa trong năm nay để hạ nhiệt nhu cầu. Tuy nhiên, với việc tiêu dùng chiếm 2/3 GDP, điều này hoàn toàn có thể là một "con dao hai lưỡi" với nền kinh tế số 1 thế giới.
Trong bài phát biểu mới nhất hôm thứ Năm vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cũng thừa nhận rằng, các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, bao gồm doanh số bán lẻ, cho thấy FED vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Chủ tịch FED Jerome Powell nói: "Các số liệu cho thấy, để đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, chúng ta cần phải có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế thấp hơn xu hướng và thị trường lao động cần phải hạ nhiệt hơn nữa".
Chủ tịch FED Jerome Powell
Tuy nhiên, theo Bank of America, việc FED duy trì lãi suất ở mức cao và sự suy yếu của thị trường lao động, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Ông Brian Moynihan, Giám đốc điều hành Ngân hàng Bank of America, nhận định: "Cho đến nay, người tiêu dùng vẫn đang tiếp tục chi tiêu nhưng sự chậm lại trong chi tiêu tiêu dùng có thể tạo ra những thay đổi lớn. Nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn".
Bên cạnh đó, cũng có một số dấu hiệu cho thấy, hoạt động chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã dần tăng chậm lại. Niềm tin tiêu dùng Mỹ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất 4 tháng do những lo ngại về lạm phát dai dẳng.
Một người tiêu dùng Mỹ nói: "Hàng hóa đắt hơn rất nhiều. Mọi thứ đều đắt đỏ. Năm ngoái thì mọi thứ còn dễ chịu, còn năm nay, mọi thứ đều đắt lên".
Conference Board dự báo, giá dầu tăng, việc phải thanh toán các khoản vay thời sinh viên và cả mức lãi suất cao sẽ khiến chi tiêu thực tế của người tiêu dùng Mỹ giảm 1,1% trong quý I/2024, và giảm tiếp 1% trong quý II. Chi tiêu tiêu dùng giảm sút cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Mỹ trong nửa đầu năm và có thể khiến nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 0,8% trong cả năm 2024, bằng một nửa so với kỳ vọng của FED.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!