Đâu là giải pháp tốt nhất để kích cầu tiêu dùng?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/01/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn-Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế. Ngoài giảm thuế GTGT, đâu sẽ là giải pháp tốt để kích cầu tiêu dùng?

Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được Quốc hội thông qua. Quy mô gói chính sách là khoảng 350 nghìn tỷ đồng- quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Nhìn vào quy mô gói hỗ trợ lần này là 350 nghìn tỷ đồng có thể thấy gói hỗ trợ tài khóa là trụ cột chiếm phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, còn lại là gói hỗ trợ tiền tệ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay và các hỗ trợ khác.

Động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế VN là cỗ xe tam mã: xuất khẩu, đầu tư công và tiêu dùng trong nước. Thế nhưng, cùng với tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm qua thì sức mua cũng đang rất thấp. Vì thế quan trọng nhất lúc này là phải tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Cầu tiêu dùng quyết định đến tăng trưởng GDP bởi cầu tiêu dùng chiếm tới 65%.

Đâu là giải pháp tốt nhất để kích cầu tiêu dùng? - Ảnh 1.

Người tiêu dùng mua hàng khuyến mại tại Trung tâm thương mại. Ảnh: VGP

Do đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó hàng loạt nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng còn 8% kể từ tháng 2.

Giảm thuế giá trị gia tăng giúp kích cầu tiêu dùng

1 giỏ quà Tết có giá trị 1 triệu đồng, nếu như trước đây người tiêu dùng sẽ phải đóng thuế VAT là 10%, tương đương với 100 nghìn đồng, thì nay chỉ phải đóng thuế 8% là 80 nghìn đồng, nghĩa là hàng hóa sẽ rẻ hơn một chút, với cùng 1 số tiền thì người tiêu dùng có thể mua được nhiều hơn.

Chị Trần Thu Trang, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: "Năm nay dịch bệnh nên đối với người tiêu dùng thì giá giảm, rẻ hơn một chút thôi cũng là quý".

Đối với các doanh nghiệp, dù việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ dành cho khách hàng nhưng doanh nghiệp vẫn được lợi vì giúp tăng doanh số bán hàng. Đại diện nhà hàng này kỳ vọng, khách hàng sẽ chi tiêu nhiều hơn sau khi được giảm thuế VAT.

Chị Lê Thị Nhung, Kế toán trưởng một nhà hàng ở quận Đống Đa, Hà Nội, chia sẻ: "Giảm như thế thì khách hàng sẽ có ưu đãi sẽ tìm đến chúng tôi nhiều hơn, qua đó doanh thu tốt hơn".

Việc giảm thuế giá trị gia tăng được cho là sẽ tác động tích cực lên ngành du lịch bởi 1 tour du lịch bao gồm nhiều dịch vụ từ vận tải, ăn uống đến lưu trú, thăm quan đều được giảm loại thuế này. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết, việc giảm thuế VAT sẽ có tác động tích cực ngay tới du lịch nội địa, khách quốc tế thì cần thêm thời gian, do vậy sắp tới đơn vị sẽ tiếp cận thêm tệp khách hàng mới này.

Đâu là giải pháp tốt nhất để kích cầu tiêu dùng? - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trong năm ngoái. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế, gồm: Ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi dịch vụ lưu trú và ăn uống. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2021 tăng 28,1% so với quý trước, đạt 1,3 triệu tỉ đồng nhưng vẫn giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,789 triệu tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước.

Trong hướng dẫn chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính dự thảo: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2022, trừ một số nhóm hàng dịch vụ: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; Sản phẩm hàng hóa dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Thu từ thuế VAT chiếm tỉ trọng cao, khoảng 28% tổng thu ngân sách giai đoạn 5 năm gần đây. Nên việc xác định mức giảm là bao nhiêu, trong thời gian bao lâu là bài toán phải cân đối.... Việc giảm thuế Giá trị gia tăng rõ ràng là cần thiết vì thuế VAT đánh vào người tiêu dùng nhưng lại mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho sản xuất trong nước. Khi bảo vệ sản xuất trong nước thì người lao động đảm bảo công ăn việc làm, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Quy mô gói chính sách là khoảng 350.000 tỷ đồng đưa ra thời điểm này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mặc dù có thể phải đối diện với rủi ro về nợ công, lạm phát và trong bối cảnh đầy khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, thể hiện một quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế phục hồi. Do vậy, phải sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích để đem lại hiệu quả thực chất ở mức tối đa.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 18/1 với khách mời là ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ trao đổi chi tiết hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước