Đầu tư “ăn theo” hạ tầng: Tầm nhìn dài hạn của các ông lớn địa ốc

Quỳnh Như-Thứ sáu, ngày 09/04/2021 06:27 GMT+7

VTV.vn - Đầu tư "ăn theo" hạ tầng, tạo lập quỹ đất lớn để phát triển các mô hình đại dự án nằm ngoài TP Hồ Chí Minh là chiến lược đang được nhiều doanh nghiệp địa ốc triển khai.

Trước tình trạng khan hiếm và hạn chế về phát triển quỹ đất tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã tiến hành thâu tóm, sở hữu những diện tích đất lớn ở nhiều các tỉnh, thành địa phương khác như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng tàu, Long An, Bình Dương và xa hơn như Bình Thuận, Lâm Đồng, Cần Thơ…

Điểm chung của các tỉnh, thành này là có nhiều quy hoạch tốt về hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Việc phát triển quỹ đất mới tại các địa phương nhằm tạo lợi thế cạnh tranh về lâu dài cho các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện thông qua các số liệu được công bố về lượng quỹ đất mà các doanh nghiệp đang nắm trên thị trường. Những con số lên tới hàng trăm, hàng nghìn ha.

Theo một số doanh nghiệp, vị trí chọn quỹ đất chỉ là một vế của vấn đề, vế còn lại là những biến số cần phải giải, như: tầm nhìn quy hoạch, sự phát triển kinh tế của địa phương, lượng dân cư và khẩu vị của nhà đầu tư tại các tỉnh, thành này…

Đầu tư “ăn theo” hạ tầng: Tầm nhìn dài hạn của các ông lớn địa ốc - Ảnh 1.

Việc mở rộng đầu tư sẽ giúp các địa phương cùng nhau phát triển, góp phần tạo ra môi trường đầu tư sôi động. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Ngoài ra, sự phát triển của hạ tầng giao thông đồng bộ, quyết tâm của Chính phủ khi chuyển đổi một số các công trình sang đầu tư công, tăng tiến độ của hạ tầng cũng là nhân tố hỗ trợ quan trọng cho chiến lược mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp.

Đơn cử như tỉnh Bình Thuận - địa phương đang thu hút lượng lớn các nhà đầu tư, việc tập trung mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng yếu trong thời gian tới. Mới đây, sân bay Phan Thiết sau một thời gian chậm trễ cũng đã được triển khai.

"Với việc triển khai thi công này, trong những năm tới đây, điều kiện phát triển của tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là hệ thống giao thông đối ngoại cơ bản đáp ứng đầy đủ. Có sân bay, có đường cao tốc, cảng biển, điều này góp phần cho tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội", ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc mở rộng đầu tư sẽ giúp các địa phương cùng nhau phát triển, góp phần tạo ra môi trường đầu tư sôi động, cạnh tranh lành mạnh hơn…

Mở rộng đầu tư: Cuộc chơi lớn với nhiều thách thức

Hiện các dự án được phát triển tại các tỉnh có thể được chia thành 2 mô hình chính: Một là mô hình township (thành phố thu nhỏ), bao gồm nhà ở và hệ sinh thái đi kèm như trường học, bệnh viện, khu thương mại; hai là đại đô thị dự án du lịch nghỉ dưỡng với nhiều khu chức năng vui chơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe...

Các chuyên gia cho rằng, khi triển khai chiến lược đầu tư này, các doanh nghiệp đối diện 2 thách thức quan trọng: Một là đảm bảo cam kết, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông; Hai là phát triển các sản phẩm mang tính khác biệt của dự án để thu hút nhà đầu tư, thu hút người dân, khách du lịch đến tạo sức sống cho đô thị.

Đầu tư “ăn theo” hạ tầng: Tầm nhìn dài hạn của các ông lớn địa ốc - Ảnh 2.

Trong quá trình chuyển hướng đầu tư ra khỏi các thành phố lớn, các chủ đầu tư cần phải nghiên cứu thị trường để tìm ra đúng tệp khách hàng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Đại diện công ty nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam chia sẻ, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có những diễn biến tích cực trong vài năm tới khi có nhiều dự án mới được triển khai, tức là người mua có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các thiết kế sản phẩm của từng dự án đang na ná nhau, không tạo nên sự khác biệt.

"Hiện có không ít chủ đầu tư phát triển các dự án khá đơn điệu về thiết kế cũng như tiện ích. Để phù hợp với xu thế phát triển bền vững, dự án cần tạo được giá trị về lâu dài, vượt thời gian. Cả chủ đầu tư lẫn người mua bất động sản đều cần phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ càng. Nếu tạo được dấu ấn riêng về kiến trúc và thiết kế cho dự án của mình thì chủ đầu tư có thể bán hàng tốt hơn", ông David Jackson, Tổng Giám Đốc của Colliers Việt Nam, nhận định.

Ngoài ra, tình trạng chậm tiến độ triển khai dự án giao thông thời gian qua cũng là vấn đề lớn cho những cam kết về hạ tầng trong thời gian tới, bởi sự thành công của các đại dự án phụ thuộc rất lớn vào yếu tố này.

Theo đại diện CBRE Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và nhà đầu tư cần có những kênh thông tin xuyên suốt về kế hoạch triển khai các dự án hạ tầng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, trong quá trình chuyển hướng đầu tư ra khỏi các thành phố lớn, các chủ đầu tư cần phải nghiên cứu thị trường để tìm ra đúng tệp khách hàng, hiểu rõ khách hàng tiềm năng của mình, từ đó phát triển cơ sở vật chất và đưa ra mức giá phù hợp, góp phần tạo ra sự đa dạng về phong cách sống tại địa phương mà dự án tọa lạc.

Có thể thấy, các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh hiện đang được tập trung đầu tư hạ tầng khá nhiều. Điều này tạo nên một lực hút rất lớn đối với các doanh nghiệp địa ốc. Tuy nhiên, có một thực tế quá trình triển khai hạ tầng thường đi sau sự phát triển của các dự án. Do đó, làm thế nào khuyến khích người dân về sinh sống, tạo sức sống cho đô thị là bài toán lớn mà các doanh nghiệp địa ốc cần phải tính toán một cách cẩn trọng, tránh tình trạng như nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường chia sẻ: "Lượng người mua ở các dự án lân cận những đô thị lớn đa số là người đầu tư".

“Ăn theo” quy hoạch, bất động sản Đà Nẵng “nóng” trở lại “Ăn theo” quy hoạch, bất động sản Đà Nẵng “nóng” trở lại

VTV.vn - Làn sóng các nhà đầu tư bất động sản đang quay trở lại Đà Nẵng để "săn" đất nền sau một thời gian dài thị trường này bị đóng băng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước