Đầu tư ra nước ngoài: Làm thế nào để không "ngã ngựa"?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 11/01/2019 10:51 GMT+7

VTV.vn - Nếu đổ xô đi đầu tư nước ngoài mà không nắm được luật lệ bản địa và lường trước rủi ro rất có thể các doanh nghiệp sẽ "ngã ngựa".

Năm 2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư hơn 432,2 triệu USD ra nước ngoài, tăng hơn 20% so với năm 2017. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt mong muốn "đem chuông đi đánh xứ người", tìm kiếm cơ hội ở các thị trường như Lào, Campuchia hay Mỹ. Tuy nhiên, làm thế nào để phòng ngừa các rủi ro khi đầu tư ở nước ngoài?

Thời báo ngân hàng dẫn chứng một câu chuyện có thật trong ngành mía đường ở Campuchia xảy ra khoảng vài năm trước đó là 3 nhà đầu tư nước ngoài đã xây dựng nhà máy sản xuất đường ở Campuchia, 90% sản lượng được xuất khẩu sang EU theo cơ chế ưu đãi thương mại một chiều dành cho các quốc gia đang phát triển nhưng phải đảm bảo vấn đề môi trường, nhân quyền. Môi trường và nhân quyền - hai vấn đề dường như chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhưng lại là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp nước ngoài. 

Nhà máy mía đường ở Campuchia đã bị nhà nhập khẩu châu Âu đã chấm dứt hợp đồng sau khi biết quá trình xây dựng nhà máy đã nảy sinh vấn đề cưỡng chế đất đai, không có được sự đồng thuận với người dân. Nhiều người đã tiến hành khởi kiện công ty ở châu Âu về hành vi nhập khẩu hàng hoá được sản xuất dựa trên các chính sách vi phạm nhân quyền.

Thậm chí, ngay cả khi doanh nghiệp chuyển hướng sang thị trường Mỹ nhưng thông tin sai phạm của doanh nghiệp ở Campuchia cũng bị các nhà sản xuất ở châu Âu chia sẻ cho các công ty nhập khẩu của Mỹ. Do vậy, doanh nghiệp trên đã bị đã chấm dứt hoàn toàn khả năng tìm kiếm thị trường.

Ví dụ thực tế trên cho thấy rủi ro có thể xảy ra đối với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu các thiếu hụt thông tin về thị trường, về phong tục tập quán và đặc biệt là pháp lý. Thời báo kinh doanh cho biết, đa phần doanh nghiệp đang đầu tư vào các nước kém phát triển hơn Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ hoặc có những chính sách dù doanh nghiệp đã tìm hiểu nhưng họ thay đổi nhanh chóng, nếu không cập nhật được chính doanh nghiệp sẽ vi phạm pháp luật, chưa kể những bất đồng ngôn ngữ.

Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhấn mạnh nếu "đổ xô đi đầu tư" mà không nắm được luật lệ bản địa và lường trước rủi ro rất có thể các doanh nghiệp sẽ "ngã ngựa". Các doanh nghiệp thường lúng túng vì không biết tìm thông tin ở đâu, nhờ ai, cơ quan nào tư vấn. Do đó, rất cần một đầu mối hướng dẫn cho các doanh nghiệp - đó có thể là hiệp hội, hoặc cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng khuyến nghị bản thân doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài phải chủ động, ý thức hơn trong vấn đề tìm hiểu cơ chế chính sách pháp luật và các điều ước quốc tế. Các chuyên gia cũng cho rằng chỉ có chủ động nhận diện rõ rủi ro sẽ phải đối mặt, doanh nghiệp mới có phương án phòng ngừa sớm; tránh tình trạng hiện nay doanh nghiệp vẫn tập trung vào "chữa" hơn "phòng bệnh". Rõ ràng, để có thị phần lớn hơn trong "sân chơi" quốc tế, hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, mỗi doanh nghiệp cần chủ động, bởi càng chậm chân càng thua thiệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước