Một cột mốc mới vừa được ghi nhận tại Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Trung Quốc đó là hai bên đã chính thức công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc. Trong bức tranh hợp tác đó, kinh tế đang là một điểm sáng.
Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua từ năm 2009. Vào năm ngoái, ASEAN đã vượt qua EU để lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết cùng với các thỏa thuận thương mại khác đang mở ra triển vọng lớn cho hợp tác kinh tế và thương mại ASEAN - Trung Quốc.
Nhờ tích cực tham gia các hội chợ thương mại Trung Quốc - ASEAN, hội chợ quốc tế thực phẩm đồ uống và các kênh bán hàng trực tiếp mà Sài Gòn Cà phê ngày càng tiến sâu vào các địa phương Trung Quốc, thay vì gói gọn tại vùng giáp biên Việt Nam - Trung Quốc như trước đây.
Giao thương Việt Nam - Trung Quốc ngày càng tăng mạnh, nhất là du lịch khiến cho người dân nước này ngày càng ưa chuộng khẩu vị nhiều loại thức uống của Việt Nam, nhất là các loại cà phê nhẹ, cà phê sữa phù hợp khẩu vị của giới trẻ. Doanh nghiệp này đang lấn sân lên các sàn thương mại điện tử.
"Ngoài kênh bán hàng trực tiếp truyền thống, hiện chúng tôi nỗ lực hơn nữa đưa hàng lên trên các trang thương mại điện tử để tiếp tục chinh phục nhiều đối tượng khách hàng mới. Đây là một kênh rất tiềm năng", bà Tô Hiểu Quyên - Phụ trách Công ty Sài Gòn - Cà phê tại Trung Quốc cho hay.
Đẩy mạnh giao thương Trung Quốc - ASEAN. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
ASEAN - đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của khối với Trung Quốc. Theo số liệu từ Hải quan nước này, đến hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên đến 186,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến năm nay kim ngạch 2 nước hơn 220 tỷ USD - một nỗ lực vượt bậc trong tình hình dịch bệnh.
Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng đầu tư và đẩy mạnh buôn bán sang ASEAN - một thị trường lao động dồi dào, sức tiêu dùng tăng mạnh.
Ông Chu Bân - Doanh nghiệp gốm xuất khẩu TP Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết: "Quan hệ về kinh tế hai bên ngày càng tốt. Chính phủ tạo rất nhiều điều kiện tạo thuận lợi nên chúng tôi yên tâm đầu tư, mở rộng thị trường sang thị trường đầy tiềm năng này".
Chiếm hơn 10% lượng nhập khẩu nông, thủy sản toàn cầu, thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ dân đang là mảnh đất màu mỡ để các nước ASEAN chinh phục. Cùng với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc thuế suất bằng không với hơn 8.000 dòng sản phẩm, hạ tầng đường bộ, đường biển, đường thủy kết nối 2 khu vực ngày càng thuận lợi nên chi phí vận chuyển ngày càng thấp.
ASEAN càng có nhiều lợi thế trước Mỹ và EU trong cạnh tranh thương mại tại Trung Quốc bởi chính quyền nước này đẩy mạnh chính sách làm ăn với các nước láng giềng.
Một trong những giải pháp quan trọng mà Trung Quốc triển khai gần đây là thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN là xây dựng những trung tâm kinh tế mậu dịch nhằm giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp nhận dễ dàng với các thị trường lân cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!