Đẩy mạnh hợp tác công tư có chọn lọc

Đặng Tú (Ban Thời sự)-Thứ bảy, ngày 27/02/2016 21:41 GMT+7

VTV.vn - Theo các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế, nếu không huy động được nguồn vốn từ xã hội mà nhu cầu đầu tư công vẫn tăng, sức ép với nợ công sẽ khá lớn.

Hụt thu do giá dầu giảm mạnh, hụt thu từ xuất nhập khẩu và các nguồn vay ưu đãi cũng dần bị co hẹp sẽ là những yếu tố bất lợi để cân đối nguồn vốn ngân sách cho các lĩnh vực đầu tư công. Chính vì thế, việc đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư, chuyển nhượng quyền đầu tư, khai thác cho tư nhân đang được đánh giá là hướng đi có nhiều triển vọng.

Doanh nghiệp tư nhân hợp tác với nhà nước để đầu tư các dự án công đang được coi là giải pháp hiệu quả trong việc giảm sức ép nợ công. Và cũng bằng mô hình công tư này, ngành giao thông vận tải đã thu hút được hơn 40% nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Đặc biệt, nhiều dự án huyết mạch cho đất nước như Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 cũng đã được hoàn thành.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định: "Nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, chúng ta phải bỏ gấp 2 lần mức đầu tư và áp dụng mô hình này tiến độ nhanh, chi phí giảm. Trong dự án Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 cũng có tới 50% vốn xã hội hóa".

Không chỉ cân đối đươc nhu cầu đầu tư, hợp tác công tư còn có thể tiết giảm được khoản chi ngân sách. Như mô hình doanh nghiệp đầu tư cho nhà nước thuê lại trụ sở ở Quảng Ninh, khi đó nhà nước không mất vốn đầu tư mà vẫn có công trình sử dụng, còn doanh nghiệp vừa có việc làm và lợi nhuận.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc hợp tác công tư không chỉ giúp Nhà nước giảm ngay đầu tư công trong những năm trước mắt mà còn tạo ra một thị trường mới cho doanh nghiệp tư nhân. Đó như một mũi tên bắn trúng 2 đích.

Trong thời gian qua, hợp tác công tư hay nhượng quyền đầu tư khai thác các công trình công cho tư nhân đã phần nào chia sẽ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cũng không ít công trình đã xuất hiện tình trạng kém chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hay đội vốn trong quá trình đầu tư.

Rất có thể trong thời gian tới, các dự án hợp tác công tư sẽ phải được rà soát lại một cách chặt chẽ hơn nhưng cũng không thể phủ nhận tác động kinh tế xã hội của các mô hình này ở nhiều bộ ngành địa phương. Đặc biệt trong 5 năm tới, tỷ trọng chi đầu tư phát triển chỉ được phép dưới 20% trong tổng chi ngân sách Nhà nước, trong khi nhu cầu đầu tư vẫn ở mức khoảng 3 triệu 710.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần khả năng cân đối vốn ngân sách.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước