Đẩy mạnh nguồn vốn vay an toàn ngăn tín dụng đen “hoành hành”

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 04/03/2023 06:55 GMT+7

VTV.vn - Cần thêm các nguồn hỗ trợ vốn vay an toàn để công nhân, người lao động tiếp cận kịp thời và vay với lãi suất hợp lý thì tín dụng đen sẽ có ít cơ hội hoành hành.

Những công nhân, người lao động là nạn nhân của tín dụng đen lý do bởi mức lương không quá cao, cuộc sống không dư giả nên nhiều người rất dễ rơi vào tình huống túng thiếu nếu gặp một biến cố nào đó. Việc mọi người phải cần gấp một khoản tiền để lo việc là chuyện có thể hiểu được, nhất là khi hiện nay công việc bị cắt giảm, công nhân bị cho nghỉ việc đang diễn ra các khu công nghiệp phía Nam nhu cầu vay nóng lại tăng cao.

Lợi dụng tâm lý trên, tín dụng đen nở rộ với đủ hình thức vay lãi, thậm chí còn có cả các ứng dụng, app vay trực tuyến ẩn dưới các loại phí như phí bản quyền, dịch vụ, xử lý, phạt thanh toán không đúng hạn...

Đẩy mạnh nguồn vốn vay an toàn ngăn tín dụng đen “hoành hành” - Ảnh 1.

Khảo sát gần nhất của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với hơn 500 công nhân và những người liên quan cho thấy: Hơn 91% nhận biết được thế nào là tín dụng đen; Gần 66% nhận biết được phương thức hoạt động của tín dụng đen; 90% nhận biết được các hệ lụy do tín dụng đen gây ra.

Biết vậy nhưng: Hơn 46% có người thân, đồng nghiệp, hàng xóm là nạn nhân của tín dụng đen; Hơn 56% nạn nhân từng bị đe dọa, hành hung.

Về hành vi tài chính: Gần 67% từng liên hệ với tổ chức tín dụng để vay vốn thì gần 1 nửa bị từ chối vì không đủ điều kiện; 81% muốn vay tín chấp không tài sản bảo đảm.

Đẩy mạnh nguồn vốn vay an toàn ngăn tín dụng đen “hoành hành” - Ảnh 2.

Để nguồn vốn sạch đến với công nhân

Muốn vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo và được giải quyết nhanh đó là nhu cầu của công nhân lao động khi muốn có một khoản tiền lúc gặp khó khăn. Đây cũng là điểm mấu chốt để tìm ra giải pháp để giúp người không bị lôi kéo, sa chân vào con đường cho vay nặng lãi, tín dụng đen.

Thời gian vừa qua, các quỹ trợ vốn của tổ chức công đoàn ở nhiều địa phương đã chuyển đổi thành chương trình dự án tài chính vi mô để hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Đẩy mạnh nguồn vốn vay an toàn ngăn tín dụng đen “hoành hành” - Ảnh 3.

Cần thêm các nguồn hỗ trợ vốn vay an toàn để đẩy lùi tín dụng đen. Ảnh minh họa.

Lãi suất cho vay tiêu dùng từ 0,20 - 0,76%/tháng, không cần tài sản bảo đảm, được chọn trả gốc và lãi vay theo thời hạn định kỳ phù hợp với thu nhập, nhưng theo quy định cho tổ chức tài chính vi mô, hạn mức cho vay chỉ dừng ở 50 triệu đồng. Đây chính là điểm bất lợi khiến người lao động tìm đến tín dụng đen khi khoản vay từ CEP chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu giải quyết khó khăn tức thời.

"Tôi đề xuất CEP cần nâng mức vay lên 70 - 100 triệu đồng và cho phép người lao động vay vốn bổ sung khi gặp khó khăn. Thủ tục hồ sơ cần tinh gọn hơn", ông Âu Lập Dân - Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH Hung Way, TP Hồ Chí Minh nói.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xem xét chính thức đưa nội dung phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động vào chương trình trọng tâm của công đoàn các cấp. Trong đó, vai trò của Tổng Liên đoàn là xây dựng cơ chế giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.

Ông Hồ Văn Xuân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An đề xuất: "Tổng Liên đoàn lao động nghiên cứu như thế nào có một cơ chế để tạo nguồn lực hỗ trợ thêm cho CEP để CEP có nguồn lực để mở rộng thêm".

Quy định trong Thông tư 03 năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước cũng như trong các văn bản chuyên ngành về đối tượng cho vay của tổ chức tài chính vi mô, công nhân lao động hầu như không thuộc diện khách hàng của CEP.

Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: "Tôi đề nghị tách riêng công nhân lao động là một đối tượng. Nếu đưa vào chung hộ nghèo và người nghèo là rất khó bởi vì công nhân lao động là có lương, ghép vào hộ nghèo, người nghèo là có tiêu chí, không bao giờ công nhân vào đối tượng đấy được…".

Tâm lý người đi vay nóng, cần ngay vốn rất dễ sa vào các bẫy tín dụng đen với những quảng cáo thủ tục nhanh gọn, thuận tiện. Đấu tranh với tín dụng đen hiệu quả nhất chính là dùng chính những điểm hấp dẫn đó.

Phòng chống tín dụng đen cần có sự chung tay trong việc minh bạch thông tin của các tổ chức tài chính tín dụng hiện có cũng như mở rộng mạng lưới bán lẻ vào các khu cụm công nghiệp để công nhân dễ tiếp cận hơn. Các gói hỗ trợ hoặc các khoản vay từ các tổ chức tài chính thời điểm này cũng cần được cân nhắc phù hợp với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, thất nghiệp để tránh người dân, doanh nghiệp phải "chui sang" tín dụng đen.

Vậy làm sao để người lao động tiếp cận được và cần các thủ tục như thế nào để họ vay được sớm nhất? Vì hiện nay theo quy định Thông tư 03/2018 của NHNN về đối tượng cho vay của tổ chức tài chính vi mô, công nhân lao động hầu như không thuộc diện khách hàng. Với các tổ chức tín dụng, ưu tiên quan trọng nhất để quyết định cho vay đó là làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân, trong đó có vai trò của công đoàn cơ sở. Nhưng công tác này vẫn còn vướng mắc trong thực tế, vậy lý do là gì?

Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những phân tích, bình luận chi tiết!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước