Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính. Tuy nhiên, sản xuất vật liệu xây dựng là ngành tiêu tốn nguyên liệu và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần đồng thời không ngừng nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất, phát triển các loại vật liệu xây dựng giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị "Vật liệu xây dựng toàn quốc năm 2017" do Bộ Xây dựng tổ chức. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Năm 2017, xi măng tăng 50 lần về sản lượng thực tế và gạch ốp lát tăng 700 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới. Nhờ đó, Việt Nam từ nước nhập khẩu hầu hết các loại vật liệu xây dựng trở thành nước xuất khẩu. Nhưng đây cũng là nhóm có tỷ lệ sử dụng than cao, một số cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ chưa cập nhật.
Các chuyên gia tại Hội nghị cho rằng, cập nhật công nghệ hiện đại dù không đơn giản nhưng nhất thiết phải làm, bởi nó mang lại cơ hội giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; đồng thời giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường. Nhiều sản phẩm được đưa ra trên nền tảng nghiên cứu như cửa nhựa Topal, các sản phẩm gạch sản xuất từ tro bay, sỉ than. Đây là nỗ lực của việc đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ trong sản xuất, ứng dụng vật liệu xây dựng.
Doanh nghiệp sẽ luôn chủ động và đi đầu, nhiều doanh nghiệp đã coi nghiên cứu là hoạt động tạo nên giá trị cốt lõi.
Tại Hội nghị, Bộ Xây dựng đã công bố định mức vật liệu xây dựng không nung; giới thiệu các chương trình khoa học công nghệ về vật liệu xây dựng; đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!