Thông tin về việc triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 350.000 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay hầu hết các bộ ngành, địa phương đã gửi đề xuất về các dự án trong chương trình về đơn vị này.
Tại tọa đàm "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng", do Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng vào tối 8/3, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp để gói hỗ trợ này được triển khai nhanh và thực chất.
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ chi cho những nhiệm vụ nào?
Phần lớn nhất, khoảng 1/3 của cả gói, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khóa chiếm phần lớn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Phần tiếp theo, tương ứng với khoảng 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính sách này đã được áp dụng từ đầu tháng 2 và sẽ kéo dài đến hết năm nay.
Tiếp đến là phần dành cho gói cấp bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…, khoảng 40.000 tỷ đồng. Việc cấp bù lãi suất này hiện chưa được đưa vào thực tế, đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, phấn đấu sẽ trình chính phủ ngay trong tháng 3 này. Đây cũng được xem là 2 điểm mới đáng chú ý ở gói hỗ trợ lần này.
Ngoài ra, trong 350.000 tỷ đồng còn có các khoản khác như: cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế.
Có thể thấy, trong cả gói này, các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khóa chiếm phần lớn, cụ thể khoảng 291.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 83%. Còn lại là chính sách tiền tệ, chiếm 14% và các hỗ trợ khác 3%.
Gỡ nút thắt về nguồn vốn trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông
Một cấu phần rất quan trọng chiếm đến 1/3 gói hỗ trợ 350.000 tỷ này, đó là dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tại tọa đàm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng chuyên gia đều cho rằng, nguồn vốn này để thực hiện các công trình, dự án cấp bách, có tính lan tỏa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, đây cũng là vốn mồi để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có điều kiện tiếp tục huy động thêm các nguồn lực khác cho đầu tư phát triển.
Thi công nền đường tại Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số gần 114.000 tỷ đồng dành cho hạ tầng, dự kiến, sẽ có khoảng 70.000 tỷ đồng dành cho cao tốc Bắc - Nam. Phần còn lại sẽ phân bổ cho một số công trình khác trong các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, y tế và chuyển đổi số...
"Với khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi 113.000 tỷ cho đầu tư công, sẽ triển khai tăng ngân sách cho đầu tư công năm 2022 - 2023, trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án thuộc đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện để thực hiện giải ngân. Còn với các dự án trong chương trình phục hồi, có thể hoàn thiện sớm được thủ tục giải ngân thì giải ngân ngay trong 2022 hoặc 2023", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết.
Hiện nay, nhiều dự án hạ tầng giao thông tại các địa phương đang gặp khó khăn về nguồn vốn và cũng đang chờ đợi vào gói hỗ trợ này, như tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, hay tuyến cao tốc đi qua 4 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
"Đoạn từ km19 - km53 tổng số vốn là 9.770 tỷ, dự kiến thông báo của Kế hoạch và Đầu tư là 4.600 tỷ. S vốn còn thiếu là hơn 5.000 tỷ sẽ tiếp tục báo cáo Bộ ngành trung ương để có vốn bố trí cho chương trình", ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, cho hay.
"Các tỉnh cũng thống nhất và đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như Bộ Giao thông và Bộ Tài chính đề xuất với trung ương bố trí tối thiểu 50% của dự án", bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, nói.
Các chuyên gia cho rằng không nên coi gói hỗ trợ là giải pháp thay thế, mà là vốn mồi để địa phương có thể huy động thêm các nguồn lực khác.
"Tất nhiên, chúng ta thông cảm cho các địa phương, ai cũng cần tiền, cần vốn, ai cũng muốn hưởng lợi từ chương trình này, nhưng không nên quá dựa dẫm vào chương trình. Trong khi chúng ta có rất nhiều chương trình khác đã và đang tiến hành", TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá.
"Các địa phương hoàn toàn có thể sử dụng nguồn vốn mồi này để đầu tư vào những khâu nào vướng nhất, nó đang là nút thắt mà chúng ta không khai thông được, thì phải bỏ vốn này vào. Nếu giải phóng mặt bằng sạch thì có thể kêu gọi các nhà đầu tư rất dễ, thậm chí người ta có thể đấu thầu đất đó để tạo nguồn lực và thậm chí đẩy hợp tác đầu tư công tư PPP", GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh.
Để thúc đẩy giải ngân vốn cho đầu tư hạ tầng, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù chỉ định thầu cho giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án hạ tầng giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!