Ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển "thuận thiên" để chủ động hóa giải các thách thức do biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, qua đó phát huy được xung lực phát triển mạnh mẽ của vùng.
ĐBSCL phát triển nông nghiệp "thuận thiên"
Nếu con số chi cho đầu tư phát triển của vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2015 chỉ tương đương khoảng hơn 12% so với cả nước thì trong giai đoạn 5 năm qua, con số này lên tới 16%, tức khoảng 220.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng GDP bình quân của vùng luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt năm 2018 lên tới 7,8%, cao hơn mức của cả nước năm đó là 7,08%. Đáng nói hơn cả, sinh kế, đời sống nhân dân từng bước chuyển đổi rõ rệt. Người đứng đầu Chính phủ đã từng nói, cơ hội hay thách thức là do cách nhìn nhận vấn đề. Như với xâm nhập mặn, nếu nhìn cây lúa là thách thức, với con tôm lại là cơ hội.
Thu hoạch tôm tại ĐBSCL. Ảnh: Báo Nhân dân.
Nông dân Võ Hồng Ngoãn - người được mệnh danh là "vua tôm" vùng ĐBSCL đã nhìn thấy cơ hội trong thách thức. Cả đời gắn bó và làm giàu từ con tôm, ông cảm thấy nghịch lý khi nông dân nhiều nơi cứ mãi ngăn mặn để trồng lúa và rồi nghèo vẫn cứ hoàn nghèo.
"Xâm nhập mặn mình nuôi con gì, mình nuôi tôm hay nuôi cua, hay nuôi cá, hay mình trồng cái gì phù hợp với vùng đất xâm nhập mặn, mình phải biết thuận thiên. Đâu phải xâm nhập mặn, trồng lúa không được thì dân nghèo, nếu mình biết uyển chuyển theo tự nhiên cái lợi nó nhiều hơn", ông Doãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: "Cách tiếp cận chúng ta đang đi là đúng hướng để đảm bảo được 2 nguyên tắc của tái cơ cấu đó là: Nhìn vào thị trường thế giới và nhìn vào sự thích ứng với biến đổi khí hậu để lựa chọn đối tượng".
Nhiều giống lúa chống được hạn mặn tại ĐBSCL cũng đã phát triển. Ảnh minh họa - Báo Nhân dân.
Tại ĐBSCL, nhiều mô hình trồng lúa, canh tác nông sản thông minh ứng dụng công nghệ 4.0 đã ra đời. Nhiều giống lúa chống được hạn mặn cũng đã phát triển. Những phát minh mới phục vụ cho sản xuất như phao quan trắc để kiểm soát độ mặn của nước đã được ứng dụng rộng rãi tại đây.
Trong ngành nông nghiệp, sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã được khẳng định, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế.
ĐBSCL phát triển cơ sở hạ tầng giao thông kết nối vùng
Một minh chứng rõ nét cho thấy sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu chính là đợt hạn mặn kỷ lục 2019 - 2020. Dù khắc nghiệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016, nhưng diện tích lúa chịu thiệt hại chỉ khoảng 10% so với đợt hạn mặn 4 năm trước đó. Kết quả này là nhờ công tác dự báo khí tượng thủy văn và kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Không chỉ nông nghiệp, mà cơ sở hạ tầng cũng được đặc biệt quan tâm, nhằm tăng cường kết nối liên vùng. 29.426 tỷ đồng là tổng số vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 5 năm qua. Dự kiến 5 năm tới, Bộ GTVT đã đề xuất chủ trương với số vốn gấp gần 3 lần, tới 94.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói: "Chúng ta khánh thành được cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống là 2 trong 5 cây cầu lớn nhất ĐBSCL. Khi dự án kết nối này hình thành thì chúng ta kết nối được từ Cao Lãnh cho đến Kiên Giang - thêm một trục động lực cho khu vực".
Trong giai đoạn tới, quy hoạch một cảng nước sâu tại Sóc Trăng cũng được Bộ GTVT đề xuất, trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả vùng. Bởi từ trước tới nay, 80% lượng hàng hóa của khu vực này vẫn phải đi nhờ các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ.
Cầu Vàm Cống nhìn từ phía huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: TTXVN.
Thời gian tới, dự kiến nguồn lực tiếp tục được tập trung để triển khai nâng cấp hệ thống giao thông trong vùng, cũng như kết nối với TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, phục vụ kết nối kinh tế theo trục dọc Bắc - Nam và trục ngang Đông Tây.
Với hàng loạt quy hoạch chiến lược, các cơ chế, chính sách đã và đang dần được hoàn thiện, hiện nay đã có tới 20 đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ cho ĐBSCL, với tổng số vốn khoảng 2,5 tỷ USD, tương đương 58.000 tỷ đồng.
Hôm nay, tại hội nghị do Thủ tướng chủ trì, sẽ có những nhận định, đánh giá thắng thắn về những kết quả và thách thức trong hiện thực hóa tầm nhìn của Nghị quyết 120. Với một nghị quyết có tầm nhìn tới năm 2100, vẫn cần thời gian để thể chế và chính sách phát huy hiệu quả triệt để.
Ngay cả nguồn lực, dù đã được đặc biệt quan tâm, nhưng với Nghị quyết 120 ban hành sau khi chương trình đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 đã được thông qua, vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế. Khi đó, "Thuận thiên" chắc chắn không phải là sự chờ đợi, chậm trễ để phó mặc cho tự nhiên, mà với một tầm nhìn tổng thể, tích hợp, quan trọng hơn cả "thuận thiên" chính là sự quyết liệt và bền bỉ trong hành động của con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!