Định hình chiến lược phát triển dài hạn, bền vững cho vùng ĐBSCL

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:24 GMT+7

VTV.vn - Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ định hướng cho các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên...

Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đồng bằng trù phú, gồm 13 tỉnh, thành phố, với khoảng 17,3 triệu người sinh sống, có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch, đất, nước, môi trường tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên nhiều năm qua, ĐBSCL vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Sáng 26/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại TP Cần Thơ. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm tăng nguy cơ ngập lụt, hạn hán, sụt lún và nhiễm mặn.

Về phát triển kinh tế, mặc dù mỗi địa phương đều có lợi thế nhưng lại thiếu tính liên kết, do đó cần có một quy hoạch tổng thể, dài hạn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Đây cũng là bản quy hoạch đầu tiên được tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, dựa trên nguyên tắc: "Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường".

Quy hoạch vùng ĐBSCL lấy con người làm trung tâm

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐBSCL chiếm gần 35% GDP toàn ngành, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng thủy sản…, mặc dù là trụ cột phát triển kinh tế nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn theo xu hướng tối đa hóa sản lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng.

Tại hội nghị, nguyên nhân được chỉ ra do thiếu tính liên kết, không gắn với thị trường, hay nói rộng hơn là thiếu quy hoạch.

"Sản xuất ra thì phải biết bán ở đâu, bán cho ai, bán giá nào. Quan trọng là bán giá nào và thu lại cho dân được cái gì, chứ không phải ồ ạt đẩy sản lượng ra. Chúng ta phải hướng tới giá trị cao mà đã giá trị cao thì công nghệ cao chỉ là công cụ chúng ta thực hiện mục tiêu, về hiệu quả cao chứ không phải công nghệ cao là chúng ta hướng đến", ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh.

Định hình chiến lược phát triển dài hạn, bền vững cho vùng ĐBSCL - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh việc cơ cấu chuyển đổi ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng ĐBSCL còn tập trung phát triển hạ tầng nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững. Khác với các quy hoạch trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn lực để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm cho ĐBSCL.

Ngoài ra, các vấn đề như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn tài nguyên cũng sẽ được quan tâm phát triển. Tất cả đều hướng đến mục tiêu mang lại hạnh phúc cho người dân.

"Người dân không thể thu nhập cao bằng các khu vực khác nhưng ngược lại phải xây dựng một xã hội thật hạnh phúc, người dân phải thật hạnh phúc", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ định hướng cho các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh, giúp tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đồng thời cũng huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng.

Bên cạnh tiềm năng và những mục tiêu mà Quy hoạch vùng đặt ra, tại hội nghị, nhiều chuyên gia cũng đã thẳng thắn đóng góp ý kiến, trong đó nêu ra được nhiều vấn đề cụ thể mà ĐBSCL đang phải đối diện, từ đó làm cơ sở để xây dựng các chính sách phù hợp.

Hiệu quả mô hình sinh kế ĐBSCL

Thực tế, từ vài năm qua, một số địa phương cũng đã có sự chủ động triển khai các dự án chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều mô hình cải thiện sinh kế kết hợp với cân bằng bảo vệ môi trường đã phát huy hiệu quả. Điều này cho thấy, nếu có một quy hoạch tổng thể, dài hạn để mang tính định hướng, ĐBSCL sẽ có cơ hội để phát triển bền vững.

Nếu như trước đây, tôm, cua thường bị sâu bệnh, người nông dân thất thu, thì nay đã có cán bộ kỹ thuật về tận chân ruộng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra định kỳ sức khỏe của tôm, cua.

Định hình chiến lược phát triển dài hạn, bền vững cho vùng ĐBSCL - Ảnh 2.

Nhiều năm qua, ĐBSCL vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng và hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Tương tự tại tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo mặt nước tự nhiên, nuôi tôm, cua kết hợp lúa, tạo ra sinh kế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là hướng đi của tỉnh trong việc thích ứng khí hậu.

"Vừa qua, tỉnh Cà Mau cũng chủ động thực hiện quy hoạch tốt các vùng thủy lợi, từ đó chuyển đổi sản xuất từ một số khu vực nông nghiệp truyền thống sang giống mới và canh tác mới", ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho hay.

Cũng theo đại diện tỉnh Cà Mau, để nhân rộng mô hình, chính quyền địa phương, cũng như tiểu dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL sẽ làm việc với các ngân hàng, kết nối với các doanh nghiệp liên kết để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và tiêu thụ sản phẩm.

Quy hoạch tích hợp - Cơ hội cho ĐBSCL phát triển Quy hoạch tích hợp - Cơ hội cho ĐBSCL phát triển

VTV.vn - Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ, Bộ KH-ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước