Để tích sản không thành tích... nợ

Hoàng Nam-Thứ hai, ngày 05/06/2023 14:00 GMT+7

VTV.vn - Tích sản cổ phiếu là một hình thức đầu tư giá trị, sản sinh ra nguồn thu nhập thụ động bền vững trong dài hạn. Tuy vậy, tích sản cổ phiếu cũng có ưu, nhược điểm riêng.

Tích sản là một chiến lược đầu tư cổ phiếu khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. Việc tích sản thường xuất hiện khi chúng ta bắt đầu có thu nhập và mức chi tiêu thấp hơn để có "của ăn của để".

Trong giai đoạn qua, nhiều nhà đầu tư đã từ tích sản thành tích nợ hay thậm chí từ tích sản mà "mất tích", từ bỏ thị trường đầu tư chứng khoán. Rõ ràng, tích sản không thể theo chiến lược đơn giản "mình thích là mình tích".

Phân tích của SSI Research cho rằng, một người nên chia cuộc đời thành 3 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 từ 20 - 35 tuổi, lúc này nhà đầu tư còn trẻ, với độ chịu rủi ro cao, có thể tập trung đầu tư tích sản với các cổ phiếu tăng trưởng để gia tăng nhanh tài sản. Tuy nhiên từ giai đoạn 35 - 60 tuổi và 60 trở đi, khi tuổi đời ngày một nhiều, nhà đầu tư nên tập trung đầu tư tài sản cố định, tích sản vào các cổ phiếu bluechips cũng như cổ phiếu giá trị chi trả cổ tức cao.

"Mọi người hiện nay đang rơi vào tình trạng ví dụ như những người ở tuổi tôi, bị mắc bệnh không biết thế nào là đủ, qua ngưỡng đủ rồi mình không biết và vẫn tiếp tục đầu tư. Mình có thói quen là nhất định ta phải kiếm thêm. Nhiều khi mang lại rủi ro không đáng có cho tài sản của chúng ta khi tiếp tục chấp nhận rủi ro. Nếu ta biết được khoảng thời gian chúng ta định đầu tư, thì chúng ta tìm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng trong giai đoạn đó", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán SSI, nêu quan điểm.

Để tích sản không thành tích... nợ - Ảnh 1.

Tích sản là một chiến lược đầu tư cổ phiếu khá phổ biến trên thị trường chứng khoán. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Tính thời điểm khi bắt đầu tích sản được xem là quan trọng ở thị trường có tính chu kỳ cao như chứng khoán Việt Nam. Giai đoạn 2021 - 2022 đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư tích sản "đúng đỉnh" với tỷ trọng mua lớn, từ đó tạo ra áp lực tài chính rất nặng nề.

"Chúng ta phải hiểu được tài chính của mình, không để áp lực lên chi phí cuộc sống, nên phân bổ vào doanh nghiệp ta định giá được. Tính chu kỳ của chứng khoán Việt Nam khá lớn do có nhiều doanh nghiệp tính chu kỳ giá lên mạnh và xuống sâu. Cổ phiếu nào vào chu kỳ tăng giá quá lớn là phải thận trọng", ông Nguyễn Anh Cường, Trưởng phòng Tư vấn giao dịch, PGD Nguyễn Văn Cừ, Công ty CP Chứng khoán SSI, nhận định.

Một rủi ro khi tích sản cũng được các chuyên gia đề cập là nhiều nhà đầu tư hay mắc hội chứng "Tất tay" (All in) vào 1 - 2 mã cổ phiếu theo khuyến nghị. Ít nhà đầu tư đủ khả năng tìm hiểu sâu về một doanh nghiệp để đầu tư tất tay kiểu vậy. Vì vậy đa dạng hóa danh mục tích sản là chiến lược phù hợp với đại bộ phận nhà đầu tư không chuyên.

Ít tiền quá thì làm sao có thể tích sản? Trả lời câu hỏi này, các khách mời của chương trình Bí mật đồng tiền cho biết, hành trình vạn dặm đều bắt đầu bằng bước chân đầu tiên và hành trình tiền tỷ cũng hoàn toàn có thể được bắt đầu với vài triệu đầu tiên.

Nhà đầu tư nước ngoài: Thận trọng nhưng lạc quan dài hạn Nhà đầu tư nước ngoài: Thận trọng nhưng lạc quan dài hạn

VTV.vn - Trong tháng 5, lượng rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 100 triệu USD, nhưng tính chung từ đầu năm, lượng tiền vẫn vào ròng thị trường là 10 triệu USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước