Vừa hoạt động trở lại sau thời gian dài ế ẩm vì dịch, CTCP XNK Nông sản Thực phẩm Việt Nam - chuyên cung cấp thực phẩm cho các trường học hy vọng việc giãn nợ đến hết năm nay sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi.
"Nếu đến hạn chưa trả được sẽ có những doanh nghiệp phải chấp nhận vay ngoài để đáo hạn. Khách hàng mua hàng của mình họ cũng khó khăn chưa trả được nợ, vì vậy nếu ngân hàng giãn nợ khi đó khách hàng cũng bớt khó khăn mới trả được tiền cho mình", bà Trần Thị Thu Hằng - Tổng giám đốc CTCP XNK Nông sản Thực phẩm Việt Nam nói.
NHNN đề xuất tất cả các khoản nợ từ ngày 23/1 đến hết năm nay đều được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ (Ảnh minh họa)
Ngoài nới thời hạn, đề xuất được doanh nghiệp quan tâm hơn cả là việc "không tính số lần cơ cấu lại nợ khi phân loại hoặc cơ cấu nợ". Giả sử như doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả trong 2 tháng, nhưng vẫn gặp khó khăn chưa trả được nợ thì có thể được cơ cấu thêm một lần nữa.
Dự thảo cũng cho phép được giữ nguyên nhóm nợ với các khoản giải ngân từ ngày 23/1 - 25/4, tức nới thêm 3 tháng so với quy định cũ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị được gia hạn thêm vì hiện hoạt động xuất khẩu vẫn còn bị gián đoạn bởi dịch.
Các doanh nghiệp hy vọng việc giãn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để phục hồi (Ảnh minh họa)
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 23% dư nợ tín dụng, tương đương 2 triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch. Việc giãn thời gian cơ cấu, miễn giảm lãi chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng, vì vậy các chuyên gia cho rằng nên cần cân nhắc để có sự điều chỉnh phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!