Đề xuất nới trần giờ làm thêm: Sẽ khó cho doanh nghiệp nếu chậm đưa ra quyết định

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/03/2022 11:46 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp có nguyện vọng tăng giờ làm thêm để tranh thủ phục hồi sản xuất.

Tuần qua, bức tranh kinh tế đón nhận nhiều thông tin với những gam màu tối sáng khác nhau. Bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trước mắt, Chính phủ và Quốc hội trong tuần cũng tập trung nhiều nhiệm vụ mang tính lâu dài. Ví dụ như việc đẩy mạnh cải cách hành chính, bởi theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển.

Cần đột phá cải cách hành chính

Theo báo Tiền Phong, chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tinh thần bám sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ.

Thông tin từ phiên họp cho thấy, năm 2021, cả nước cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh, đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ.

Trong năm 2022 này, Thủ tướng đã nêu rõ mục tiêu là phải tạo ra đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước. Không những vậy, nó cũng góp phần phòng chống tham nhũng tiêu cực, như tiêu đề trên báo Giáo dục và thời đại.

Đó là những giải pháp huy động nguồn lực và tiếp sức cho phát triển dài hạn. Vậy còn những thách thức trước mắt về thiếu hụt lao động tại các doanh nghiệp, hay câu chuyện về nguy cơ lạm phát do giá xăng dầu tăng đang được chỉ đạo giải quyết như thế nào?

Đề xuất nới trần giờ làm thêm: Sẽ khó cho doanh nghiệp nếu chậm đưa ra quyết định

Việc nhiều F0, F1 nghỉ ở nhà đã khiến thiếu hụt lao động ở nhiều nhà máy. Ngoài ra, để tranh thủ phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng có nguyện vọng tăng giờ làm thêm. Do đó, theo báo Đầu tư, Chính phủ đã đề xuất nới trần giờ làm thêm.

Đề xuất nới trần giờ làm thêm: Sẽ khó cho doanh nghiệp nếu chậm đưa ra quyết định - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tăng giờ làm thêm để kịp đáp ứng đơn hàng. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Với đề xuất này, giờ làm thêm 1 tháng của người lao động sẽ nâng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ, được áp dụng cho tất cả các ngành nghề, công việc.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với áp lực F1 cách ly nhiều, cộng thêm lao động chưa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, do vậy đề xuất này được coi là một trong những giải pháp thiết thực hiện nay.

Mặc dù vậy, cũng còn khá nhiều điều phải cân nhắc với đề xuất này khi được đưa ra trình tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tuần.

Phải được sự đồng ý của người lao động trên tinh thần tự nguyện

Theo ghi nhận của báo Sài Gòn giải phóng, tại cuộc họp, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, bởi nếu tăng lên không quá 72 giờ là tăng 180% so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, nếu quy định thì cần có được sự đồng ý của người lao động và phải tính đến việc không áp dụng với các ngành nghề độc hại, nguy hiểm.

Rõ ràng việc xem xét cẩn trọng của Ủy ban thường vụ Quốc hội là hợp lý, bởi phải căn cứ vào Bộ luật Lao động 2019 và các các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Tuy nhiên những đề xuất của Chính phủ cũng dựa trên đề xuất cấp bách của các hiệp hội, cần sớm được tháo gỡ. Đây sẽ là một bài toán khó để cân bằng.

Còn một số doanh nghiệp, trong lúc chờ đợi các chính sách hỗ trợ được thực thi, trong 2 năm qua đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công. Đây có thể là hướng đi lâu dài cần tính đến.

Giám sát chặt vốn đầu tư công, tránh sử dụng sai mục đích

Ngoài những giải pháp về tăng giờ làm thêm, việc đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giám sát chặt việc thực hiện cũng liên tục xuất hiện trên các mặt báo.

Báo Lao Động cho biết, đến nay Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 51 bộ, cơ quan trung ương và 62 tỉnh, thành phố. Còn Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh chưa gửi báo cáo. Còn trong kế hoạch năm 2022 đã gửi, 20 bộ và 34 tỉnh, thành phố chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng chính phủ giao.

Bài viết nhấn mạnh, sau tháng 3, nơi nào chưa phân bổ xong theo quy định của pháp luật thì điều chỉnh sang bộ, ngành địa phương khác.

Thực thi phải quyết liệt, nhưng giám sát phải chặt chẽ. Nếu và nhìn vào gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng giá trị 350.000 tỷ đồng, thì gần một nửa là dành cho đầu tư phát triển cơ cấu hạ tầng. Do đó, để nền kinh tế phục hồi hiệu quả và bền vững, phải trông chờ rất lớn vào đầu tư công.

Đề xuất tăng giờ làm thêm cho mọi ngành nghề Đề xuất tăng giờ làm thêm cho mọi ngành nghề

VTV.vn - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất tăng giờ làm thêm trong tháng từ 40 giờ lên 72 giờ, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước