Theo đó, đến thời hạn tạm nộp quý III, doanh nghiệp sẽ không cần phải ước tính doanh thu cả năm ngay từ quý III để nộp ít nhất 75% số phải nộp theo quyết toán năm. Thay vào đó, hết IV quý, doanh nghiệp mới cần phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả năm.
Theo quy định của Nghị định 126, sau 3 quý, doanh nghiệp sẽ cần nộp trước ít nhất 75% thuế thu nhập của cả năm. Nếu ước tính thiếu, số tiền chưa nộp đủ 75% sẽ bị phạt chậm nộp. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó bởi vẫn còn mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nên rất khó ước tính doanh thu, cũng như thuế phải nộp của cả năm.
Tuy nhiên, quy định mới cho phép lùi thời hạn tới trước ngày 30/1 năm sau mới cần ước tạm nộp thuế cả năm, ít nhất 80%. Khi đó đã có con số cụ thể về doanh thu cả năm. Số còn lại sẽ nộp vào cuối kỳ quyết toán theo năm tài chính.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay: "Không phải cứ lấy một năm chia 4 thì doanh số và lãi bằng nhau, do điều kiện kinh doanh hoặc COVID-19 tác động đến doanh nghiệp. Ví dụ năm 2021, nhiều doanh nghiệp 9 tháng đầu năm không làm ăn gì, không có doanh thu nhưng bắt đầu quý IV có doanh thu và có lãi. Nếu theo Nghị định 126 cũ thì toàn bộ lãi quý IV được chia cho cả năm và 3 quý đầu dù không có lãi nhưng lại bị tính chậm nộp. Điều này hết sức bất cập".
Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất sửa đổi Nghị định 126 nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp trong việc tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Một sửa đổi khác, theo quy định mới, thời gian bị tính tiền chậm nộp sẽ là tính từ thời điểm khai thuế của quý IV có nghĩa là ngày 30/1 năm sau, không phải từ ngày phải nộp thuế của quý III như cũ. Theo các chuyên gia thì như vậy tiền chậm nộp gần như sẽ là không có, nếu các doanh nghiệp chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế.
"Định hướng này đã hợp lý hơn nhưng cũng rất mong các hướng dẫn thực hiện đơn giản và dễ hiểu. Nếu quá phức tạp chúng tôi phải thuê tư vấn thuế giải quyết và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tài chính đi thuê, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ", bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam VEIA nói.
Tuy nhiên, trước tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay do COVID-19, các doanh nghiệp vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía chính phủ.
Ông Mark Gilin - Trưởng nhóm công tác thuế và Hải quan, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF cho hay: "Đối với thuế thu nhập, chúng ta nên nhìn vào từng ngành nghề và đây cũng là cách các nước khác trên thế giới đang thực hiện. Ví dụ như đối với ngành du lịch, con số 75% hay 80% không khác gì nhau lắm bởi tại thời điểm này họ không làm ra tiền. Đối với những doanh nghiệp này thiết thực nhất vẫn phải là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp".
Theo các chuyên gia, những chính sách về thuế nên tạo động lực khôi phục sản xuất cho doanh nghiệp bởi doanh nghiệp hoạt động tốt, nguồn thu thuế vào ngân sách nhà nước cũng ổn định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!