Tăng phí "cứu" BOT, ai "cứu" chúng tôi?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 17/05/2020 08:39 GMT+7

VTV.vn - Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc các nhà đầu tư BOT đề xuất tăng phí là bất hợp lý, sẽ giết chết ngành vận tải.

Đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT

Tuần qua, một thông tin nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận đó là việc Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó có phương án cho phép các trạm BOT được tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ, thay vì Nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Giải thích cho đề xuất của mình, một trong những nguyên nhân được Bộ GTVT đưa ra là trong thời gian dịch COVID-19, lưu lượng phương tiện giảm sâu dẫn đến doanh thu của các Doanh nghiệp BOT giảm sút. Theo thống kê, 58/60 dự án có doanh thu thấp hơn so với dự báo, trong đó 17 dự án có doanh thu thực tế chưa đạt 50%.

Tăng phí cứu BOT, ai cứu chúng tôi? - Ảnh 1.

Bộ GTVT nhận định, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp BOT. Đồng thời không có nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì cầu đường, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo tờ Tuổi trẻ, một nguyên nhân đặc biệt nữa là các dự án BOT cũng chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay đầu tư BOT.

Trong bài viết "Loay hoay xử lý "cục nợ xấu"" trên tờ Thanh niên, giám đốc một công ty BOT cho biết, doanh thu trong tháng 3 sụt giảm khoảng 30% so với thời điểm trước dịch. Mà theo lộ trình tăng phí quy định trong hợp đồng, từ 1/1 năm nay, doanh nghiệp này được tăng phí 18% so với mức hiện nay. Vị này cho biết, nếu chậm tăng giá vé, liền lãi cộng dồn vào sẽ "đánh gục" doanh nghiệp ngay.

"Cứu họ, ai cứu chúng tôi?"

Ngay sau đề xuất của Bộ GTVT, nhiều doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ không đồng tình vì thời gian vừa rồi họ cũng đã rất khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Có doanh nghiệp đã thốt lên "Cứu họ, ai cứu chúng tôi?".

Trên tờ Người lao động, ông Nguyễn Văn Long -  Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, việc các nhà đầu tư BOT đề xuất tăng phí là bất hợp lý, sẽ giết chết ngành vận tải.

Tăng phí cứu BOT, ai cứu chúng tôi? - Ảnh 2.

Giám đốc một nhà xe thì than thở, về lý, việc tăng phí các trạm BOT là lộ trình theo hợp đồng, nhưng vào thời điểm này, các doanh nghiệp còn đang "thoi thóp" thì đề xuất tăng phí là không hợp tình.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền thì nhìn nhận việc tăng phí sẽ cấu thành vào giá vận tải, tăng giá cước, ảnh hưởng đến giá hàng hóa, tác động liên đới đến toàn xã hội. Vì vậy, Bộ GTVT nên chọn thời điểm phù hợp hơn khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định.

Phải vì toàn cục

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm ngay của Bộ GTVT lúc này không phải là đề xuất giải cứu BOT, mà là "nhanh chóng hoàn thành thu phí tự động ngay trong năm nay. Chỉ khi nào có sự minh bạch trong thu phí thì mới đủ cơ sở tính toán tăng hay giảm mức thu".

Tăng phí cứu BOT, ai cứu chúng tôi? - Ảnh 3.

"Hãy nhớ, trong thời gian qua, các doanh nghiệp BOT còn thu được phí của các phương tiện vận tải hàng hóa chứ các doanh nghiệp vận tải hàng khách thì gần như phải ngừng hoạt động, gần như đứng bên bờ vực phá sản. Bây giờ còn bắt họ trả phí BOT cao hơn thì khác gì với việc "chất thêm đá nặng lên lưng người đang vẫy vùng vì đuối nước!".

Việc cần kíp nhất bây giờ là có giải pháp cứu nền kinh tế, bởi khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh thì lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, các doanh nghiệp BOT nhờ đó sẽ có nguồn thu dồi dào hơn. Vậy, xin hãy vì toàn cục!", tờ Người lao động viết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước