Ảnh minh họa.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.
Bộ Tài chính cho biết phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành. Tuy nhiên, ở một góc độ khác đề xuất tăng thuế xuất khẩu này có thể có ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian gần đây đã nhận được kiến nghị của nhiều cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu với phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.
Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về tổng quan thị trường phân bón. Hiện, giá các loại phân bón thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu và tăng giá mạnh thời gian qua.
Thêm vào đó là việc khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất khiến giá phân bón tăng cao.
Theo ghi nhận thị trường, từ sau Tết Nguyên đán, giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Hiện, giá Ure lên ngưỡng 18.000 đồng/kg; Phân DAP ngưỡng 18.500 - 19.000 đồng/kg; NPK ngưỡng 16.000-16.500 đồng/kg...
Kể từ đầu năm, giá phân bón hiện đã tăng từ 18-25%. Kali có thời điểm liên tục tăng vọt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!