Tại Hội nghị về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án về phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp.
Nhiều chuyên gia trên thị trường nhận định, nhà giá rẻ sẽ là phân khúc giúp phá băng thị trường bất động sản thời điểm này, giải được bài toán lệch pha cung - cầu, dư thừa nhà giá cao; đồng thời giúp cơ hội tiếp cận của người dân dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để phát triển loại hình nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất cụ thể.
Đại diện cho doanh nghiệp đã triển khai thành công một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, bà Nhung cho biết, có 2 khó khăn lớn nhất để phát triển một dự án hiện nay, đó là thiếu quỹ đất và vốn.
"Hiện tại lãi suất đang rất cao, phải có chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp. Những ưu đãi cho vay đối với nhà ở xã hội phải rõ ràng về quy chế, chuẩn hóa từ trên xuống dưới, đồng bộ các bộ ban ngành, về tiêu chuẩn cho vay, thời gian xem xét cũng nhanh", bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng NHS, cho biết.
Theo các chuyên gia, nếu các chính sách phát triển nhà ở xã hội được đẩy mạnh, đây sẽ phân khúc dẫn dắt thị trường vượt qua khó khăn trong thời điểm này. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Thời gian qua, do lãi suất cao, cộng với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đã khiến giá thành mỗi m2 nhà ở tăng lên. Cách đây khoảng 3 năm, tại Hà Nội, nhà ở xã hội có giá khoảng 14 - 15 triệu đồng/m2, nhưng nay, giá bán sắp tới phải tăng lên 18 - 19 triệu đồng/m2.
"Lãi suất hiện tại đang rất cao, nên các doanh nghiệp chần chừ, đắn đo vay ngân hàng để triển khai nhà ở xã hội. Còn đối với người dân, việc tiếp cận vay ngân hàng chính sách, room tín dụng cho vay khá ít, hầu hết người dân vẫn tiếp cận các ngân hàng thương mại, với lãi suất trung bình 13%", ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 Group, cho hay.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ, thủ tục làm một dự án nhà ở xã hội có thể kéo dài tới 5 năm, đôi khi phức tạp hơn nhà ở thương mại, trong đó sẽ mất từ 2 - 3 năm làm thủ tục, 2 năm để xây dựng. Doanh nghiệp rất cần các chính sách ưu đãi cụ thể, nhanh chóng.
"Chúng tôi đề nghị dùng cái quỹ đầu tư nhà ở xã hội tập trung xây dựng hạ tầng nhà ở xã hội với một quy hoạch được Nhà nước thống nhất, trên cơ sở đó mới khuyến khích các chủ đầu tư tập trung cho nhà ở xã hội", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần GP Invest, nêu đề xuất.
Tại hội nghị cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ có một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng, thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng vừa đề xuất dành gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, tương tự như gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã thực hiện cách đây 10 năm trước, với mức lãi suất cho vay chỉ từ 5 - 6%/năm.
Các chuyên gia đánh giá, nếu các chính sách phát triển nhà ở xã hội được đẩy mạnh, đây sẽ phân khúc dẫn dắt thị trường vượt qua khó khăn trong thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!