Các gói chính sách phục hồi kinh tế cần triển khai nhanh hơn. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.
Do vậy, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng các gói chính sách phục hồi kinh tế cần triển khai nhanh hơn và tính cả kịch bản cho năm 2021 - 2022, chứ không riêng trong năm nay.
Đối với các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần các gói chính sách mang tính dài hạn, bởi có dự báo một số ngành, lĩnh vực, nhất là ngành sử dụng nhiều lao động phải sang quý III mới "thấm đòn" do đứt gãy các hợp đồng xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ đặc biệt phục vụ tái cơ cấu doanh nghiệp mạnh hơn, gồm tái cơ cấu đầu tư, lao động, tăng sức chống chịu nền kinh tế.
Cũng theo các chuyên gia, thực lực doanh nghiệp của chúng ta còn yếu, đặc biệt đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy, không chỉ cứu cái cũ mà còn cần tạo cả cái mới, tức là bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, cần thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; trong tình thế khó khăn này, cần tính tới các biện pháp xử lý nợ xấu.
Hiện nay, so với các nước, gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam là ít nhất, do đó một số thành viên kiến nghị cần tăng quy mô các gói, nhất là cho ngành hàng không. Kích cầu nội địa cũng nên hướng vào kích cầu du lịch, bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, hướng tiếp cận của các chính sách mới (nếu có) cũng cần phải thay đổi, sát sườn hơn với từng lĩnh vực ngành nghề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!