Đến lúc cần “siết” kiểm soát hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử

Kate Trần-Thứ tư, ngày 09/10/2024 21:33 GMT+7

VTV.vn - Loại hình giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử ngày càng phát triển đang đặt ra yêu cầu cải cách đối với công tác quản lý hải quan thời gian tới.

Thiếu quy định cụ thể về quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu giao dịch qua các sàn

Việt Nam được coi là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Năm 2023 tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498,9 nghìn tỷ đồng, trong đó, tổng doanh thu của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok shop lên đến 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực và thế giới. Kéo theo đó, hàng hóa xuất nhập khẩu qua loại hình thương mại cũng ngày càng phổ biến và tăng nhanh do nhu cầu người tiêu dùng ngày càng lớn.

Thống kê của Amazone công bố mới đây cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt hơn 256.000 tỷ đồng (11,1 tỷ USD) vào năm 2026. 

Riêng năm 2024, dự báo doanh thu thương mại điện tử ước đạt 27,5 - 28 tỷ USD. Điều này mở ra triển vọng đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

"Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với hoạt động quản lý nhà nước. Trong đó có việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu xuyên biên giới giao dịch qua thương mại điện tử", bà Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc Pháp lý và Hải quan, Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát nhanh DHL - VNPT nhận định.

Đáng chú ý, dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Việt Nam hiện chưa có quy định riêng đối với hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử. 

"Hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử được gửi về Việt Nam thực hiện thủ tục hải quan theo các loại hình khác nhau. Cụ thể, hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh được thực hiện theo quy định về hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Hàng hóa gửi qua dịch vụ đường biển, đường bộ, đường không thông thường thì thực hiện thủ tục hải quan như hàng hóa thông thường", ông Tám dẫn chứng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua nhiều đối tượng lợi dụng sự thông thoáng về chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên tuyến bưu điện, chuyển phát nhanh...

Cần chính sách quản lý "theo kịp thời đại"

Đến lúc cần “siết” kiểm soát hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử - Ảnh 2.

Theo sự kiến, thời gian ban hành Nghị định sẽ vào quý 4/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.

Trước thực trạng nêu trên, theo các chuyên gia, yêu cầu đặt ra cao hơn về quản lý và kiểm soát hải quan hiện đại, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý đối với loại hình giao dịch thương mại điện tử.

Góp ý về dự thảo Nghị định về về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, ông Bùi Trung Kiên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, cần thông tin để quản lý hải quan tập trung, gồm cả thông tin người bán, người mua, hàng hóa, thành phẩm có liên quan. Qua đó, giúp tất cả những người tham gia trong chuỗi cung ứng và cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia, theo dõi để đồng bộ các chính sách, thủ tục.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử đã được Tổng cục Hải quan xây dựng, lấy ý kiến các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ ký ban hành. 

"Theo sự kiến, thời gian ban hành Nghị định sẽ vào quý 4/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025. Việc ban hành Nghị định còn phụ thuộc tiến độ đầu tư Hệ thống hải quan số và ngành Hải quan cần có thời gian để rà soát lại các chủ trương, chính sách để đảm bảo làm sao các quy định của hoạt động thương mại điện tử vừa tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện mua bán được nhanh chóng, vừa bảo vệ người tiêu dùng và bảo hộ nền sản xuất trong nước", ông Tám nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về dự thảo Nghị định, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, dự thảo nghị định tập trung vào đối tượng áp dụng; hệ thống xử lý dữ liệu hải quan về thương mại điện tử và chính sách quản lý chuyên ngành, chính sách thuế; quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý về chính sách thương mại điện tử, chính sách mặt hàng, thanh toán đối với giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển đảm bảo sự vận hành thông suốt giữa người mua, sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà sản xuất, đơn vị vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo được việc quản lý của các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định xây dựng một hệ thống để kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro đối với các đối tượng có tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử./.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước