Dệt may Việt Nam cần làm gì để tham gia “cuộc chơi” toàn cầu?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 03/08/2022 16:18 GMT+7

VTV.vn - Những quy định mới từ EU và Mỹ đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức với các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Khảo sát từ chương trình US Cotton Trust Protocol, khoảng 70% các thương hiệu và nhà bán lẻ đang chú trọng hơn đến tác động môi trường của các sản phẩm thời trang. Gần như 100 thương hiệu thời trang hàng đầu đã cam kết công khai chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu bền vững trong vài năm tới.

Điều này cho thấy, dệt may Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.

Dệt may Việt Nam cần làm gì để tham gia “cuộc chơi” toàn cầu? - Ảnh 1.

Quy định từ các thương hiệu lớn toàn cầu đang tạo sức ép lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa.

Hãng thời trang H&M của châu Âu đã có cam kết phát triển chuỗi cung ứng trung hoà carbon cho các nhà máy của hãng này hoặc qua ký hợp đồng thầu phụ với các nhà cung cấp của họ vào năm 2030. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 30 nhà cung cấp của hãng tại Việt Nam cũng sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sử dụng nguyên liệu bền vững.

Bà Marian Đặng - Giám đốc Bền Vững - H&M Đông Nam Á cho hay: "Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030, chúng tôi sử dụng 100% nguyên liệu thô từ nguồn tái chế. Hiện nay, con số này đã đạt mức 80%".

Quy định từ các thương hiệu lớn toàn cầu đang tạo sức ép lớn với doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như các quy định của Mỹ, hay châu Âu về tuổi thọ và tỷ lệ tái chế của hàng dệt may mới được đưa ra trong năm nay đều đòi hỏi cao hơn với chuỗi cung ứng bông, sợi.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại nhưng cũng kèm với thách thức.

"90 - 95% doanh nghiệp dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có 5 - 10 % là doanh nghiệp lớn và siêu lớn. Điều này đặt ra thách thức cho phát triển bền vững bởi việc phát triển bền vững sẽ đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn", ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay.

Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển từ phát triển nhanh sang bền vững, với mục tiêu tăng trưởng mức 5 - 6%/năm, tương đương giá trị sản xuất khoảng 68 - 70 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước