Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hơn 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, làm thâm hụt 342.000 tấn trong tổng sản lượng thịt lợn cả năm. Tuy nhiên, đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xuống đến đáy khi số lợn tiêu hủy đã giảm đến 97%. Lực lượng hạt nhân tốt là cơ sở cho việc tái đàn. Liên quan đến nguồn cung và giá cả thịt lợn trong những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, tình trạng thiếu hụt, giá cao là chuyện đương nhiên, nhưng tổng nguồn thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đảm bảo sẽ không thiếu.
Để bình ổn được thị trường thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, người tiêu dùng cần chia sẻ với người nuôi bởi giá lợn tăng cao do phát sinh chi phí chăn nuôi trong điều kiện ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhà sản xuất phải tính được ngưỡng chi phí đảm bảo có lãi, vừa đủ để tái sản xuất bền vững. Đồng thời, các nhà phân phối cũng phải cân đối hài hòa, không đẩy các phí trung gian lên cao để giữ cho giá thịt bình ổn và hợp lý.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngay từ đầu năm 2020, Bộ sẽ tổ chức hội nghị chuyên sâu bàn chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn 2020 - 2030. Đối với ngành thịt lợn trong 10 năm tới, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán để cơ cấu lại tỷ lệ trong nhóm thực phẩm cho phù hợp với sự vận động của nền kinh tế và cơ cấu dân số, không để thịt lợn chiếm 70% trong rổ thực phẩm như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!