Từ ngày 1/7 tới, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu muối theo hạn ngạch 102 ngàn tấn đã được Bộ Công Thương thông qua. Vẫn phải nhập khẩu muối, trong khi lượng muối sản xuất trong nước thường xuyên tồn đọng như là nghịch lý.
Ông Chúng ở Khánh Hòa đã theo công nghệ muối trải bạt từ hơn ba năm trước. Những người làm muối trải bạt như ông đều thừa nhận, đó là năng suất tại những ruộng muối áp dụng công nghệ trải bạt cao gấp đôi ruộng muối nền đất, đạt 150 tấn/ha. Và điều mà diêm dân ưng ý, đó là chất lượng muối trải bạt hơn hẳn, kéo theo giá bán gấp 1,5 lần giá muối lâu nay.
Nhưng, ngay cả địa phương đứng đầu tỉnh Khánh Hòa về đầu tư sản xuất muối trải bạt như xã Ninh Thọ, hiện tại chỉ mới một nửa trong tổng số 180 hecta muối được áp dụng công nghệ trải bạt.
Theo ước tính, trong số 14 ngàn hecta muối trên cả nước, sản xuất muối thủ công đã lên đến 11 ngàn hecta, cách sản xuất vẫn là phơi nước trên nền đất. Và lẽ đương nhiên, chất lượng muối thường ở mức thấp, nhiều lúc, giá chỉ còn 300 đồng/kg. Diêm dân không phải không biết những ưu điểm của muối trải bạt, ai cũng muốn làm nhưng làm thì lại không dễ.
Theo tính toán của nhiều diêm dân, phải có trong tay 200 triệu đồng mới dám làm 1 hecta ruộng muối trải bạt. Đó là số tiền quá lớn khi lâu nay, diêm dân làm muối không sống được bằng nghề muối. Vay vốn để làm muối trải bạt, điều này cũng được diêm dân đặt ra nhưng nếu đầu tư mà gặp rủi ro thời tiết như những tháng qua, nợ lại càng thêm chồng chất.
Giải quyết khó khăn về vốn được xem là điều đầu tiên để tháo gỡ rào cản tiếp cận công nghệ sản xuất muối trải bạt ở các vùng muối. Thực tế ở một số địa phương cho thấy, nếu hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho diêm dân, việc đầu tư sản xuất muối trải bạt mới có tính khả thi trên những cánh đồng muối mà lâu nay thường xuyên thừa muối chất lượng kém, thiếu muối chất lượng tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!