Diễn đàn Kinh tế thế giới: Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 16/01/2023 14:29 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (16/1), Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới bắt đầu diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

52 lãnh đạo quốc gia cùng đại diện khoảng 600 doanh nghiệp lớn tham gia sự kiện năm nay, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ, thảo luận tìm cách hợp tác trong một thế giới đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm nay diễn ra bình thường trong một bối cảnh thế giới không bình thường. Từ hơn nửa thế kỷ nay, diễn đàn này chỉ có một mục đích là cổ súy cho toàn cầu hoá kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa các quốc gia, giữa các châu lục, vì lợi ích kinh tế của tất cả các bên. Mục đích này bất ngờ trở nên xa vời, theo tờ Neue Zurcher Zeitung ra tại Thụy Sĩ hôm 11/1.

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2023 là "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh". Phân mảnh ngày càng trầm trọng ở cấp độ toàn cầu và phân mảnh trong mỗi quốc gia, lại thêm niềm tin bị bào mòn.

Bối cảnh ấy buộc lãnh đạo các quốc gia và các doanh nghiệp phải nghĩ cách đi trước một bước, xác định rủi ro, tự trang bị nhằm đối phó với hiểm nguy và trở nên kiên cường hơn, theo tờ Neue Zurcher Zeitung trong một bài báo khác.

Diễn đàn Kinh tế thế giới: Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh - Ảnh 1.

52 lãnh đạo quốc gia cùng đại diện khoảng 600 doanh nghiệp lớn tham gia sự kiện năm nay. (Ảnh: Reuters)

Xác định rủi ro là khó nhất. Bài báo viết: "Các dự đoán trước đây đã mất quá nhiều uy tín. Đa số những nguy cơ được cảnh báo rùm beng lại không xảy ra, trong khi không ai dự đoán nổi những sự kiện mang tính nền tảng nhất trong những năm gần đây là đại dịch và chiến tranh, kể cả chiến tranh kinh tế tàn khốc như đang diễn ra".

Diễn đàn năm nay phải nhìn nhận thực tế, như bài báo mô tả: "Chiến tranh kinh tế sẽ trở thành bình thường, đụng độ ngày càng tăng giữa các cường quốc trên thế giới. Chính sách kinh tế của mỗi quốc gia đang hướng nhiều hơn đến năng lực tự cung, tự cấp, giảm lệ thuộc vào bên ngoài. Các yếu tố địa chính trị chi phối nền kinh tế, thị trường thêm méo mó, sản xuất kém hiệu quả. Công nghệ sẽ làm trầm trọng thêm bất bình đẳng, tấn công mạng trở thành vấn đề thường ngày".

Những biến động đó là dữ kiện cho các cuộc thảo luận của lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay. Khó có thể thay đổi được thực tế, vậy chỉ có cách làm sao để thích nghi, thích nghi hợp cách sẽ giảm thiểu được thiệt hại và nếu may mắn có thể tìm ra được cơ hội.

Tờ Le Figaro của Pháp ra hôm 12/1 nêu lên những dữ kiện chính: "Xung đột địa chính trị kéo theo trừng phạt kinh tế lẫn nhau, chiến tranh thương mại, hạn chế dòng đầu tư từ nước nọ sang nước kia, di cư ồ ạt một cách bất đắc dĩ do khí hậu biến đổi và đói nghèo". Trong bối cảnh phân mảnh ấy, toàn cầu hóa kinh tế sẽ phải chuyển hướng ra sao, mảng đề tài quá rộng, sẽ được thảo luận trong tuần này tại Davos, Thụy Sĩ.

Giới kinh tế nhận định thận trọng về tăng trưởng kinh tế thế giới Giới kinh tế nhận định thận trọng về tăng trưởng kinh tế thế giới

VTV.vn- Theo Bloomberg ngày 8/1, nền kinh tế thế giới đang chuyển sang một kỷ nguyên khó khăn hơn do lãi suất cao hơn, căng thẳng địa chính trị lớn hơn và những bất ổn rõ ràng hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước