Điều chỉnh giá để hấp dẫn nhà đầu tư

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/11/2023 07:56 GMT+7

VTV.vn - Nếu không có một cơ chế giá điện theo sát tín hiệu thị trường rất khó thu hút các nguồn lực tư nhân và FDI vào phát triển điện, qua đó đảm bảo có đủ điện cho nền kinh tế.

Điều chỉnh giá điện để hấp dẫn đầu tư

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là trên 150.000 MW. Theo tính toán, để đáp ứng được nhu cầu điện này, số vốn cho đầu tư mới, bao gồm cả nguồn và lưới điện, ước tính lên tới 140 tỷ USD.

Đây là số tiền vượt quá khả năng đầu tư của nhà nước, nên nếu không có một cơ chế giá điện theo sát tín hiệu thị trường, cũng như đảm bảo một mức lãi nhất định cho doanh nghiệp, rất khó để thu hút các nguồn lực tư nhân và FDI vào phát triển điện, qua đó đảm bảo có đủ điện cho nền kinh tế.

Điều chỉnh giá để hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 1.

Nếu không có một cơ chế giá điện theo sát tín hiệu thị trường rất khó thu hút các nguồn lực tư nhân và FDI vào phát triển điện. Ảnh minh họa.

Hai dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng đầu tiên tại Việt Nam có tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD. Theo kế hoạch, 2 nhà máy này sẽ đi vào vận hành thương mại trong 2 năm tới, đảm bảo mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 9 tỷ kWh điện thương phẩm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cam kết tổng sản lượng điện sẽ mua hàng năm nên khó đánh giá hiệu quả mà dự án sẽ mang lại.

Ông Nguyễn Duy Giang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Quốc gia cho biết: "Quan trọng nhất là cần chính sách ổn định về mặt cam kết bao tiêu sản lượng, chúng ta tham gia thị trường nhưng ở mức độ phù hợp. Chúng ta dần tiệm cận đến thị trường điện ổn định dựa trên năng lượng truyền thống và vẫn đảm bảo cơ chế để phát triển năng lượng sạch. Do vậy chúng tôi cần có sớm cơ chế đồng bộ".

Hiện chỉ còn 7 năm để thực hiện các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Nên một cơ chế giá điện theo tín hiệu thị trường sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc hấp dẫn, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành điện.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính: "Một nhà đầu tư về điện thì người ta phải có lợi nhuận, mà lợi nhuận thu được dựa trên 2 yếu tố. Yếu tố quan trọng thứ nhất là trên cơ sở giá, yếu tố thứ hai là trên cơ sở sản lượng điện được phát tối đa".

"Chúng ta sẽ phải đổi mới cách hạch toán trong sản xuất điện và trong cả dây chuyền cung ứng điện. Chúng tôi kiến nghị là trong năm 2024 thì chúng ta sẽ tính đúng, tính đủ giá thành sản xuất, tính đúng, tính đủ giá truyền tải và phân phối", TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay.

Theo kế hoạch đề ra tới năm 2030 điện khí sẽ chiếm khoảng 15% tổng nguồn điện của cả nước. Tuy nhiên, hiện 13 dự án điện khí đã được phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, vẫn đang chờ một cơ chế giá điện tiệm cận tín hiệu thị trường, qua đó giúp khơi thông dòng vốn và triển khai đầu tư đúng theo tiến độ đề ra.

Điều chỉnh giá phải đi kèm cải thiện cung ứng điện

Điều chỉnh tăng giá điện sẽ khiến cả doanh nghiệp và người dân phải chịu thêm áp lực chi phí, nhưng nếu giữ giá điện không đủ mức hấp dẫn cho đầu tư và sản xuất điện thì thiếu điện, phải cắt điện luân phiên còn khiến cái giá phải trả cao hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng cùng với việc điều chỉnh giá điện thì điều quan trọng hơn cả là ngành điện cần phải làm thế nào để đáp ứng đủ điện cho sinh hoạt và sản xuất trong mọi tình huống.

Điều chỉnh giá để hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 2.

Điều chỉnh giá phải đi kèm cải thiện cung ứng điện. Ảnh minh họa.

Thấu hiểu áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên Công ty CP Thống Nhất Hà Nội đã lường trước được khả năng điều chỉnh giá điện và đã chủ động trích lập quỹ dự phòng cho khoản này.

Với chi phí tiền điện khoảng 200 triệu đồng 1 tháng, doanh nghiệp cho biết, không quá lo ngại khi giá điện tăng trong mức phù hợp như vừa công bố. Điều mà doanh nghiệp quan tâm là sau khi điều chỉnh giá có giúp ngành điện cải thiện được tình hình cung ứng điện hay không, vì hậu quả của thiếu điện là rất lớn.

Còn với ngành nhôm, tiền điện chiếm khoảng 3% giá thành sản phẩm nên mức điều chỉnh giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến giá bán.

Ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: "Khi giá điện được bổ sung và điều chỉnh, ngành điện có thêm nguồn vốn mới để đầu tư vào hệ thống về truyền tải, chất lượng và dịch vụ. Và như vậy chúng ta cũng thu hút thêm các nhà đầu tư mới".

Theo tính toán của EVN, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ khiến khách hàng kinh doanh dịch vụ phải trả thêm tiền điện khoảng 230.000 đồng/tháng. Khách hàng sản xuất thêm 432.000 đồng/tháng. Còn khách hàng hành chính sự nghiệp là 90.000 đồng/tháng.

Điều chỉnh giá để hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 3.

Thái Lan linh hoạt điều hành giá điện

Một số nước trong khu vực ASEAN cũng sử dụng Biểu tính điện khá tương đồng với Việt Nam, nhưng còn có thêm phí phụ thu nhiên liệu để tạo sự linh hoạt; đảm bảo giá điện theo sát diễn biến chi phí đầu vào của khâu sản xuất.

Thái Lan chia khách hàng sử dụng điện thành 8 nhóm và cũng áp biểu giá sử dụng điện theo hình thức bậc thang như tại Việt Nam để đảm bảo nguyên tắc càng dùng nhiều sẽ phải trả giá điện càng cao.

Theo đó, mức giá thấp nhất cho mỗi KWh hiện nay ở Thái Lan là hơn 2,3 Baht (khoảng 1.600 đồng) và cao nhất là hơn 6,8 Baht (gần 4.700 đồng/KWh), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phụ phí giá nhiên liệu.

Cụ thể, giá phụ thu nhiên liệu của Thái Lan phụ thuộc vào giá cả các loại nhiên liệu của thế giới mà nước này phải nhập khẩu để vận hành các nhà máy phát điện. Nếu giá nhiên liệu thế giới tăng, mức thu phụ phí nhiên liệu cũng được điều chỉnh tăng theo tương ứng, kéo theo giá điện thực tế ở Thái Lan cũng được điều chỉnh tăng theo và ngược lại.

4 tháng 1 lần, Chính phủ Thái lan sẽ xem xét tăng hoặc giảm mức thu phụ phí nhiên liệu tùy thuộc vào diễn biến trên thế giới về giá đầu vào của ngành điện mà chủ yếu là giá khí, than và dầu.

Trong đợt điều chỉnh mới đây nhất, Chính phủ Thái Lan đã giảm mức phụ thu nhiên liệu, giúp giá điện từ mức hơn 3.000 đồng xuống còn hơn 2.700 đồng/KWh, áp dụng kể từ tháng 9 cho đến hết năm nay. Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, mức giá này vẫn đang cao hơn giá điện bình quân tại Indonesia và Việt Nam khoảng 1.000 đồng/ mỗi số điện.

Còn theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá điện bán lẻ Thái Lan cao hơn so với Việt Nam là vì nước này phải nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng để sản xuất điện do nguồn cung khí đốt trong nước không đủ.

Vì thế, việc áp giá phụ thu nhiên liệu sẽ giúp chính phủ Thái Lan có thể linh hoạt điều chỉnh mức giá điện theo tình hình thực tế. Điều này cũng sẽ giúp cho các nhà máy phát điện và công ty điện lực yên tâm đầu tư vào nguồn điện, tránh thiếu điện trong tương lai.

Giá điện tăng 4,5% từ hôm nay Giá điện tăng 4,5% từ hôm nay

VTV.vn - Đây là lần tăng giá điện thứ 2 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước