Điều chỉnh giá điện: Cần tìm ra giải pháp lợi ích nhất cho số đông

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/08/2020 13:54 GMT+7

VTV.vn - Nguyên tắc xây dựng biểu giá điện bán lẻ mới phải hướng đến bảo đảm cho lợi ích của số đông, tránh tác động lớn đến nền kinh tế và tâm lý xã hội.

Câu chuyện giá điện lại một lần nữa "nóng lên" trong 2 tuần nay, dù thời tiết cả nước đã mát mẻ hơn nhiều. Cụ thể, đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đề xuất 2 phương án lựa chọn, gồm: hoặc 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.

Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất phương án điện một giá là muốn tiếp thu đóng góp từ dư luận để giá diện dễ tính, dễ hiểu và để người dân có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, đề xuất này lại gây ra nhiều tranh cãi, trong đó có lý do người dân lo ngại sẽ làm tăng tiền điện.

Điện một giá: Dễ tính nhưng vỡ nhiều mục tiêu

Tại cuộc họp hôm thứ Ba (18/8) vừa qua, Bộ Công Thương đã rút phương án điện một giá. Tờ Thanh Niên số ra hôm thứ Tư (19/8) có hàng tít đáng chú ý: "Điện một giá: Dễ tính nhưng vỡ nhiều mục tiêu".

Điều chỉnh giá điện: Cần tìm ra giải pháp lợi ích nhất cho số đông - Ảnh 1.

Đề xuất phương án điện một giá đang gây ra nhiều tranh cãi. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phương án này không phù hợp và khó khả thi. Không phù hợp vì không khuyến khích tiết kiệm điện, không đảm bảo được mục tiêu số 1 cân đối đủ điện để phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước và an ninh năng lượng. Khó khả thi vì đánh đồng tất cả các đối tượng dù giàu hay nghèo cũng áp dụng chung là không phù hợp.

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Hoàng Tiến Dũng cho rằng, với phương án điện một giá, chỉ có khoảng 2% người sử dụng thấy có lợi, tỷ lệ quá ít, trong khi những người có mức tiêu thụ điện cao lại có lợi hơn so với biểu giá 5 bậc thang, tờ Tuổi trẻ thông tin.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, Bộ luôn lắng nghe và cầu thị trước ý kiến của người dân, chuyên gia về việc xây dựng các chính sách điều hành, đặc biệt là giá điện. Vừa qua, dư luận bức xúc về biểu giá điện sinh hoạt, về dự thảo sửa đổi chưa phù hợp, Bộ sẵn sàng tiếp thu để đưa ra các phương án hiệu quả, khả thi nhất.

Giá điện bậc thang là tốt nhất, nhưng cần phải điều chỉnh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, điện một giá chỉ áp dụng được và áp dụng tốt khi chúng ta có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khi chúng ta có lượng điện dư thừa. Việc tồn tại hai phương án là vô lý, méo mó, đi ngược nhau.

Động thái rút phương án điện một giá của Bộ Công Thương được một số chuyên đánh giá là cầu thị và cho rằng, với tình hình hiện nay, không có phương án nào khác tốt hơn giá điện bậc thang, nhưng cần phải nghiên cứu từng bậc và giá từng bậc ra sao để đảm bảo hiệu quả, lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Điều chỉnh giá điện: Cần tìm ra giải pháp lợi ích nhất cho số đông - Ảnh 2.

Vừa qua, dư luận bức xúc về biểu giá điện sinh hoạt, về dự thảo sửa đổi chưa phù hợp. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Đặt câu hỏi "Làm sao cho thuyết phục?", tờ Đại biểu nhân dân cho rằng: "Mỗi phương án đưa ra đều có lợi cho nhóm khách hàng này và bất lợi cho nhóm khách hàng khác; không có phương án giá điện nào hài hòa được lợi ích của tất cả các nhóm khách hàng". Tuy vậy, nguyên tắc xây dựng biểu giá bán lẻ điện mới là phải hướng đến bảo đảm cho lợi ích của số đông, tránh tác động lớn đến nền kinh tế và tâm lý xã hội, đồng thời giảm bớt thua thiệt cho người nghèo sử dụng điện.

Cùng quan điểm này, tờ Giáo dục và Thời đại bình luận thêm: "Tiếc rằng, các kịch bản điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này chưa đáp ứng được điều đó. Tính toán trong mọi phương án đều cho thấy gánh nặng tăng giá đè nặng lên nhóm khách hàng sử dụng 101 - 400 kWh/tháng, chiếm tới gần 58% số hộ tiêu thụ".

Thất vọng với biểu giá điện

Ở một góc nhìn khác, tờ Tuổi trẻ nhận xét: "Yêu cầu sửa biểu giá bán lẻ điện đưa ra cách đây hơn 1 năm, xuất phát từ bức xúc của người dân về chuyện hóa đơn tiền điện tăng đột biến và từ yêu cầu quản lý ngành phải đảm bảo tính công khai, minh bạch".

Điều chỉnh giá điện: Cần tìm ra giải pháp lợi ích nhất cho số đông - Ảnh 3.

Chỉ khoảng 2% người sử dụng thấy phương án điện một giá có lợi. (Ảnh: Dân trí)

Tuy nhiên, dù chờ đợi hơn 1 năm, nhưng dự thảo phương án sửa đổi đưa ra lại gây khá nhiều thất vọng cho cả người dân và giới chuyên gia. Bộ Công Thương đưa ra các biểu giá với mức cơ cấu tỷ lệ quá cao, không thấy rõ lợi ích cho đại đa số người dân. Có thể thấy, rất khó để có biểu giá điện làm hài lòng tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là Bộ Công Thương đang ưu tiên cho mục tiêu nào.

Theo dõi những tranh luận về giá điện trong thời gian qua, điều mà người dân quan tâm không phải là ở bậc thang hay không có bậc thang, mà là được cung cấp điện với giá cả hợp lý và công bằng.

Nhiều chuyên gia cho rằng để người dân có quyền được thỏa thuận giá bán lẻ điện với đơn vị bán lẻ điện mà không có sự can thiệp của Nhà nước, Bộ Công Thương cần nhanh chóng thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình triển khai từ năm 2023 với những nền tảng pháp lý, công cụ và chính sách đầy đủ để đảm bảo cho vận hành thị trường.

Bộ Công Thương bất ngờ đề xuất rút phương án điện một giá Bộ Công Thương bất ngờ đề xuất rút phương án điện một giá

VTV.vn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực đã đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét rút phương án 2A và 2B được đưa ra tại dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước