Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường

VTV Digital-Thứ ba, ngày 28/05/2024 15:33 GMT+7

VTV.vn - Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã lên tiếng bác bỏ thông tin về việc cơ quan này thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá. Cơ quan này khẳng định, thay đổi biện pháp điều hành tỷ giá là thông tin không chính xác, không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính Phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ vậy, bất chấp áp lực USD tăng giá từ thị trường thế giới, đồng Việt Nam vẫn được xem là tương đối ổn định so với nhiều ngoại tệ khác. Từ đầu năm 2024 đến nay, đồng Việt Nam giảm giá khoảng 5% so với USD, trong khi Baht Thái giảm 6,3%; Yen Nhật giảm 10,8%.

Để làm dịu sức ép lên tỷ giá trong điều kiện thanh khoản tiền đồng tương đối dư thừa và thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm giữa VND và USD, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát hành tín phiếu để điều tiết lượng tiền. Đồng thời, cơ quan này đã bán ngoại tệ ra để can thiệp ổn định thị trường.

Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với thị trường - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường khoảng 2,5 tỷ USD từ giữa tháng 4 đến nay

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho biết: "Chúng ta đã giữ được mức độ ổn định tương đối tốt. Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ phối hợp khá nhịp nhàng để xử lý chênh lệch về lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng đã được đẩy lên để không tạo ra chênh lệch quá nhiều với USD. Sau đó là những công cụ về OMO, những hoạt động bơm hút tiền hay bán ngoại tệ để giúp bình ổn thị trường. Chúng tôi cho rằng chúng ta đã làm khá tốt cho đến thời điểm tháng 5 này".

Theo số liệu tổng hợp của Khối Thị trường Tài chính ngân hàng ACB, Ngân hàng Nhà nước đã cung ra thị trường khoảng 2,5 tỷ USD từ giữa tháng 4 đến nay. Bên cạnh việc sử dụng hài hòa các công cụ chính sách tiền tệ, Việt Nam đang có những nguồn cung ngoại tệ, giúp nhà điều hành có thêm dư địa để thực thi chính sách.

Ông Đinh Đức Quang - Giám đốc Điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta vẫn tiếp tục sẽ có được xuất siêu. Đây là một yếu tố quan trọng nhất đối với việc ổn định tỷ giá. Thứ 2 chúng ta tiếp tục là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thứ 3 chúng ta có nguồn thu ngoại tệ rất tốt từ kiều hối và lượng khách du lịch đến Việt Nam rất tốt. Đây chắc chắn là nguồn hỗ trợ tiếp theo cho vấn đề kiểm soát tỷ giá".

PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Hiện tại, dự trữ ngoại hối của chúng ta khoảng 13 tỷ USD. Con số này không nhỏ và tăng đều qua các năm để đảm bảo việc cung ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ chính đáng".

Các chuyên gia cũng cho rằng, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu (tăng 15% trong 5 tháng đầu năm), nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ tăng lên trong các tháng tới. Đồng thời, nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ FED hạ lãi suất vào cuối năm nay thì sẽ giúp làm giảm áp lực đáng kể với tỷ giá trong nước.

Điều hành lãi suất hài hòa, hợp lý, đồng bộ với điều hành tỷ giá và các công cụ chính sách tiền tệ khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát - đây luôn là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Nhằm tiếp tục duy trì đà phục hồi kinh tế, trong nửa sau của năm 2024, việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chỉ đạo trên là hết sức cần thiết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước