Trong dự thảo, nội dung hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới 9 chỗ, được đặc biệt quan tâm vì liên quan đến quản lý hoạt động của Grab và một số đơn vị khác tại Việt Nam.
Dự thảo đưa ra 2 phương án quản lý. Phương án 1 quản lý tất cả các xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng hợp đồng điện tử (như Grab, Be) là xe taxi.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho biết, chỉ có 8/26 thành viên Chính phủ đồng ý gọi là taxi. Vì sao? Bộ GTVT chỉ nêu ra được cách gọi này thuận lợi trong việc quy định để quản lý vì ghép chung vào một loại với xe taxi và phù hợp với đề xuất của các hiệp hội taxi. Tuy nhiên, vấn đề là Luật Giao thông đường bộ năm 2008 lại có quy định về hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (kể cả xe dưới 9 chỗ). Như vậy, không thể biến mọi xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng trở thành taxi.
Phương án 2 là quản lý Grab như xe hợp đồng (được 15/26 thành viên Chính phủ đồng ý). Tuy nhiên, phương án này lại không giải quyết được bất bình đẳng với loại hình taxi truyền thống vì bản chất của xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi là taxi như theo kết luận của TAND TP.HCM và bản thân Grab cũng đã khẳng định.
Tờ Kinh tế và Đô thị đặt câu hỏi "Tại sao lại có phương án Grab được xếp vào là xe hợp đồng khi hoàn toàn không có giao kết hợp đồng giữa hành khách và đơn vị vận tải?". Trong suốt 2 năm soạn thảo, dù bị phản ứng, bị trả đi trả lại nhiều lần nhưng các bản dự thảo của Nghị định 86 đều len lỏi chỗ đứng cho Hợp đồng vận tải điện tử dù Grab chưa đáp ứng đủ điều kiện vận tải hợp đồng?
Có một giải pháp được Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra do không tán thành với cả 2 phương án trên. Hiệp hội này đề nghị định danh lại cụ thể và đúng bản chất loại hình vận tải taxi và vận tải xe hợp đồng thay vì tìm cách định danh cho Grab.
Hiệp hội đề nghị định danh kinh doanh taxi là "việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ ngồi để chở khách, hoạt động chủ yếu ở đô thị, phục vụ chủ yếu các chuyến đi ngắn, hoạt động nhiều chuyến trong ngày, có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách, có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước hoặc sử dụng phần mềm ứng dụng để đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử".
Còn xe hợp đồng là "vận tải hành khách bằng cách thuê trọn gói nguyên xe, nguyên chuyến và thời gian thuê không dưới 4 giờ hoặc quãng đường vận chuyển không nhỏ hơn 40 km cho một hợp đồng. Xe này hoạt động không thường xuyên, không theo tuyến cố định và được thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách bằng giấy hoặc phần mềm điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải". Doanh nghiệp tự căn cứ vào đó để lựa chọn và đăng ký loại hình kinh doanh cho phù hợp. Nếu đăng ký loại nào sẽ chịu điều kiện kinh doanh loại đó.
Nhận diện và gọi tên chính xác loại hình vận tải sẽ là mấu chốt quản lý được các loại hình xe, tránh lách luật và thất thu ngân sách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!