DN xuất khẩu phần mềm Việt Nam chủ yếu gia công cho nước ngoài

Ngọc Bích (Ban Truyền hình Đối ngoại)-Thứ tư, ngày 09/03/2016 16:05 GMT+7

Việt Nam chưa tận dụng được thế mạnh về nhân lực, công nghệ đang sở hữu.

VTV.vn - Việt Nam hiện có 4.000 DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tuy nhiên phần lớn trong số đó thực hiện các đơn đặt hàng dưới dạng gia công xuất khẩu.

Ngành công nghệ thông tin Việt Nam hiện đang thu hút hơn 400.000 lao động có trình độ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, công nghiệp phần mềm được đánh giá có nhiều tiềm năng khi Việt Nam nằm trong top 10 nước xuất khẩu phần mềm trên thế giới.

USOL Việt Nam là doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản đã hoạt động tại Việt Nam được 10 năm, hoạt động chính của doanh nghiệp là cung cấp các giải pháp phần mềm, xuất khẩu phần mềm cho các đối tác trong và ngoài nước. Đại diện công ty đã giải thích những lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp phần mềm của nước ngoài.

“Tôi đã có dịp làm việc tại nhiều nước trong khu vực và thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam khá nổi trội. Nguồn nhân lực CNTT ở Việt Nam rất trẻ, khoảng 26-27 tuổi, độ tuổi mà tôi cho là sẽ còn học hỏi được rất nhiều. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất dù có chiều hướng tăng nhưng vẫn thấp so với các nước khác như Trung Quốc hay Ấn Độ” - Ông Hiroshi Watabe - Tổng giám đốc, Công ty TNHH USOL Việt Nam nói.

Hiện có đến 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam, tuy nhiên phần lớn trong số đó thực hiện các đơn đặt hàng dưới dạng gia công xuất khẩu thay vì sở hữu sản phẩm. Thực tế này khiến Việt Nam chưa tận dụng được những thế mạnh về nhân lực, công nghệ đang sở hữu.

“Xét về các lĩnh vực như điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động, trình độ các công ty tại Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các đối thủ lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh trong hoạt động gia công phần mềm và dần dần mở rộng ra tự sản xuất, nghiên cứu phần mềm” - Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT khẳng định.

Nỗ lực từ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển phần mềm cũng nhận sự ủng hộ từ các cơ quan quản lý nhằm đón đầu cơ hội sắp tới từ quá trình hội nhập của Việt Nam. Bên cạnh Luật An toàn thông tin sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7 tới đây, hiện Việt Nam đã có quy hoạch và hình thành các khu CNTT tập trung cùng các chính sách ưu đãi cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước