Trong đó, thiếu hụt dòng tiền đang là khó khăn lớn nhất, đặc biệt là các khoản trả lãi vay ngân hàng. Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi vay. Bởi mới đây, mặc dù một số ngân hàng lớn đã đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi với lãi suất 4%/năm cho các khách hàng, nhưng lại không áp dụng với kinh doanh bất động sản.
Nhiều ý kiến lo ngại, một số doanh nghiệp có nguy cơ lâm vào tình trạng lao đao, thiếu nguồn tiền để duy trì hoạt động. Trong khi thực tế, công ty vẫn còn tài sản (các sản phẩm nhà ở, bất động sản) nhưng chưa bán được.
"Cái khoản không bao giờ quên, ngủ cũng không bao giờ dừng lại là lãi suất ngân hàng. Trong giai đoạn khó khăn của thị trường, nhiều doanh nghiệp ví von "chết trên đống tài sản là có thật", vì khi đó khả năng trả nợ vay cực kỳ nan giải", bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc công ty Đại Phúc Land, cho hay.
Sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, khối doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản sử dụng vốn vay từ ngân hàng rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, thậm chí là "đóng băng" hoàn toàn, khiến doanh nghiệp không có doanh thu. Thu nhập giảm khiến nhiều người mua nhà có thể mất khả năng trả tiền gốc lãi cho ngân hàng hàng tháng.
"Hiệp hội đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, không chuyển sang nợ xấu đối với các khoản nợ đáo hạn. Quan trọng nhất là các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận khoản vay mới. Đó là điều kiện sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sống được thì các ngân hàng thương mại mới sống khỏe được", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu đề xuất.
Cũng theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, mặc dù vẫn còn khối tàn sản lớn, nhưng một số doanh nghiệp bất động sản hiện đang phải đôn đáo đi vay mượn, thậm chí "vay nóng" để trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng. Sự hỗ trợ kịp thời từ phía các ngân hàng được coi là "phao cứu sinh" cần thiết nhất vào thời điểm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!