Doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề vì COVID-19 nhưng đây là thời điểm chớp thời cơ "vàng"

H.T-Thứ bảy, ngày 09/05/2020 10:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp sáng 9/5 (Ảnh: Báo đầu tư)

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ "vàng".

86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19

Tại Hội nghị Trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp sáng 9/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau khi nước ta đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch COVID-19, hoạt động của đời sống xã hội đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới, đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh đón bắt cơ hội, tạo đà phát triển doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế thì đại dịch COVID-19 đã khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm 3%, đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới bị lâm vào cảnh nghèo đói. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn thế giới được dự báo sẽ sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu là âm 7,5%.

Trong khi đó thì Việt Nam đã nỗ lực để đạt được trạng thái tích cực. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu 3 tỷ USD. Dù vậy, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.

Doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề vì COVID-19 nhưng đây là thời điểm chớp thời cơ vàng - Ảnh 1.

Cả nước xuất siêu hơn 3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các doanh nghiệp phải đối mặt với phân cấp, vừa thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào các mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm dẫn đến tình trạng thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa".

Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp trên cả nước. Theo đó, có khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Doanh thu dự kiến khoảng 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Trên 45% doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Các số liệu về tình trạng tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, thể hiện việc giảm mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh là 33,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề vì COVID-19 nhưng đây là thời điểm chớp thời cơ vàng - Ảnh 2.

Số doanh nghiệp thành lập mới và tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm. Số liệu: Tổng cục Thống kê

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao. Tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Kết quả của một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động và có giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu, vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung tại các thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số...".

"Điều đáng mừng là trong giai đoạn khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp cũng đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau vượt khó, vượt qua những thách thức. Nhiều doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Với tinh thần luôn đồng hành sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Điển hình như Chỉ thị 11 - đây là nền tảng định hướng cho các chính sách cụ thể như Nghị quyết 42, Nghị định số 41 của Chính phủ. Có thể khẳng định rằng các chính sách vừa qua đã phần nào chia sẻ được những tổn thất mà doanh nghiệp phải gánh chịu thể hiện qua con số 88% doanh nghiệp được khảo sát nhận định các nhóm giải pháp của Chính phủ ban hành theo Chỉ thị 11 là phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang còn rất nhiều mong mỏi và kỳ vọng vào những chính sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát tốt vào nước ta" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Điểm đáng chú ý các kiến nghị của doanh nghiệp là Chính phủ cần thực hiện triệt để hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong các quy định, chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ.

"Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ các cơ quan chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chớp thời cơ "vàng"

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.

Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN chớp lấy thời cơ "vàng", nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những triển vọng lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển; hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, chuỗi liên kết thuần Việt, xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế để kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa: Tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử…: xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân; có chính sách tài khóa như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư; xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia có ý thức và thực hiện phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch;

Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động như: du lịch, dệt may, da giầy, hàng không… và các khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để giúp doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động sẵn sàng cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử…; nghiên cứu giao hoặc đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển các giải pháp, nền tảng công nghệ số.

Thứ sáu, triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản trị DN, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực khoa học công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo đà phát triển bền vững, bứt phá.

Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, là khu vực chiếm lĩnh thị trường lớn và tập trung nhiều dự án lớn. Do đó, cần cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển của mình; xác định việc đổi mới khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường là xu hướng tất yếu phải tập trung nguồn lực để thực hiện; đồng thời, cần thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa và lôi kéo các DN khu vực tư nhân trong nước cùng phát triển.

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước